- Anh cứ tin ở em ! Lời thề tuyệt đối trung thành với đảng , em không
bao giờ quên !
Khi chỉ có hai người với nhau , Cảnh luôn luôn gọi Xứ Nhu là anh và
xưng em vì chẳng những Cảnh thua Xứ Nhu đến 13 tuổi , mà hơn thế nữa ,
Cảnh biết rất rõ quá trình hoạt động thật sôi nổi của Xứ Nhu ngay từ thuở
thiếu thời .
Nguyễn Khắc Nhu sinh năm 1882 tại làng Song Khê , gần thị xã Bắc
Giang . Thân phụ ông là một nhà nho lận đận khoa cửa nhưng truyền được
cho Nhu cái tính hiếu học ngay từ thuở nhỏ , quyết nuôi chí thành đạt để
mang niềm vui lại cho hai đấng sinh thành . Không may , khi Nhu 12 tuổi
thì mồ côi cha , phải lao vào cuộc đời , trở thành rường cột kinh tế cho gia
đình . Công việc đầu tiên của Nhu là xin chăn trâu cho cụ Tú Bảng trong
làng để vừa có gạo mang về , vừa được cụ Tú cho ngồi học chung với các
con của cụ vào buổi tối . Cuộc sống tuy vất vả , nhưng Nhu rất hài lòng vì
được tiếp tục việc học . Tiếc rằng chẳng được bao lâu thì cụ Tú được người
ta mời ra tỉnh làm gia sư , cậu bé Nhu đành ở lại và đi bắt cua dọc theo các
bờ ao , ven ruộng trong làng . Từ đấy , bút nghiên phải tạm gác lại .
Một hôm , Nhu đi xa , ra bắt cua mãi trên thị xã , bên bờ sông lớn . Nhìn
thấy thiên hạ lên xuống chiếc tàu thủy đang thả neo đón khách tại bến sông
. Nhu tò mò leo lên , ngơ ngác đi lang thang trên tàu . Tàu chạy lúc nào
không hay . Nhu hoảng hốt quá , không biết làm sao để quay về nhà với mẹ
. May có người thợ phụ việc trên tàu , thấy Nhu đứng mếu máo , mới tiến
lại hỏi thăm . Nhu kể hết sự tình . Ông thợ động lòng thương hại , lại vì
chưa có con trai , nên ông ngỏ ý sẳn sàng nhận Nhu làm con nuôi . Ông đưa
Nhu về nhà mình ở Phả Lại , cho học chữ Hán tiếp tục , lại thêm cả tiếng
Tây và chữ Quốc Ngữ . Hai năm sau ông mới báo tin cho mẹ Nhu ở làng
Song Khê để bà biết là Nhu hiện đang ở với ông . Bà mẹ mừng quá liên cử
người đến cảm ơn và xin cho Nhu quay về làng .