Chị Bảy nghe nói đã có chép trong sách thì hoàn toàn tuyệt vọng.
Hoảng quá, không biết làm thế nào, chị bỗng đâm ra oán chồng. Chị ta giơ
đũa, chỉ vào mặt chồng, đay nghiến:
- Khốn kiếp! Mình làm thì mình phải chịu lấy! Hồi loạn, đã bảo là
đừng chèo thuyền nữa, đừng lên thành nữa. Thế mà cứ nhất định lên thành
cho được! Lên thành nên người ta mới cắt đuôi sam đi cho! Trước kia, cái
đuôi sam đen nhánh thế kia, mà bây giờ thầy tu chẳng ra thầy tu, đạo sĩ
chẳng ra đạo sĩ. Khốn kiếp! Mình làm mình chịu, bây giờ để liên lụy đến cả
nhà này! Khốn kiếp!
Người làng thấy cụ Bảy Triệu sang chơi đều ăn vội vàng xong bữa, rồi
chạy đến xúm lại quanh bàn nhà anh Bảy. Anh Bảy tự cho mình là người đã
đi đây đi đó, ấy mà bị vợ sỉ nhục thậm tệ trước mặt mọi người, lấy làm xấu
hổ lắm. Anh ngửng đầu lên, chậm rãi nói:
- Nhà thì chỉ được cái nói sau. Hồi đó...
- Khốn kiếp!
Trong những người đứng xem, có chị Tám Mốt là người tốt bụng. Lúc
đầu thấy vui vui, chị ta bế con - đứa con mồ côi bố từ khi còn trong bụng
mẹ, nay đã lên hai - đứng cạnh chị Bảy xem. Bây giờ thấy vậy, cầm lòng
không đậu, bèn đưa lời khuyên giải:
- Chị Bảy này! Thôi mà! Người ta chứ có phải thần thánh gì, ai biết
trước được mà liệu! Chẳng phải hồi đó chính chị cũng nói không có đuôi
sam cũng chẳng xấu gì hay sao? Huống nữa là quan huyện cũng có niêm
yết gì đâu cơ chứ!
Chưa nghe hết lời, chị Bảy hai tai đỏ ửng lên liền giơ đũa chỉ vào mặt
chị Tám Mốt, nói: