đỉnh núi. Đúng là trên này có sóng thật, nhưng chỉ được một vạch, thành ra
chất lượng cuộc gọi rất kém, đôi khi, em chẳng biết mẹ đang nói gì, chỉ có
tiếng khóc của mẹ, và cả tiếng khóc của em, là nghe rõ nhất. Nhưng không
sao, được nghe tiếng mẹ, được khóc với mẹ, thế là đủ rồi! Còn những điều
mẹ nói thì em cũng tự đoán được: nào là con phải cố gắng lên, chỉ hai năm
thôi, rồi mẹ sẽ vay chạy để xin chuyển con về Hà Nội. Nhà ta không giàu,
lại không ai làm to, phải chấp nhận thiệt thòi vậy con ạ! Cố lên, hai năm
nhanh thôi mà...
"Hai năm nhanh thôi mà!", em đã cố tin lời mẹ nói, nhưng sao khó
quá, bởi ở cái vùng heo hút này, thời gian dường ngừng trôi, hoặc nếu có
trôi, cũng trôi rất chậm! Liệu có phải thời gian trôi chậm nên con người em
cũng chậm thích nghi? Gần một tháng rồi mà bàn chân em vẫn nhức nhối
bởi con đường tới lớp quá xa, gồ ghề đất đá; đầu gối em vẫn rã rời mỗi lần
gọi về cho mẹ, bởi sóng vẫn mất, và bởi ngọn núi vẫn cheo leo. Em vẫn
chưa quen với việc vào rừng hái rau, lên núi bẻ măng; chưa quen với giọng
nói lơ lớ của những đứa học trò nhỏ bé, gầy gò; chưa quen với lớp học
nghèo nàn, tồi tàn, có những khe hở huếch hoác, nguếch ngoác, khiến
những con gió rừng hung hãn chốc chốc lại thốc vào lạnh buốt, u u...
Nhưng giờ thì quen rồi, quen với việc không có điện, nếu muốn sạc
điện thoại, phải dùng cái sạc của Tàu chạy bằng pin tiểu; quen với việc mỗi
tháng đi chợ một lần vì chợ xa, phải mua cả tảng mỡ lợn về treo trên gác
bếp, đợi cho khô keo lại như khúc gỗ, lúc nào xào nấu thì lấy xuống quệt
quệt vào cái chảo nóng cho mỡ chảy ra, dùng thay dầu ăn; quen với những
lần lội suối, băng đèo, đến tận nhà từng học trò để vận động các em tới
trường; quen với những ngày mưa gió, lớp chỉ lác đác, xơ xác vài ba người,
tóc ai cũng ướt nhèm, môi ai cũng tím bầm vì mưa lạnh; quen cả với việc
không nhìn lịch để đếm ngược thời gian, mong mỏi ngày về...
Hôm nay trời mưa rả rích, và em nhủ thầm: chắc lại được vài đứa lèo
tèo. Nhưng không, lớp đi rất đông đủ, trật tự, ngay ngắn, quần áo chỉnh tề.