khuyến mại thêm cho một hai ực, rồi lúc khách bí tiền, ả có thể tin tưởng
bán chịu cho, hôm sau có thì trả. Thế nhưng với những thằng bẩn tính và cù
nhầy thì đừng hòng, đúng một xu là năm ực. Hết năm ực là ả bóp chặt cổ
họng, thở còn chả được chứ nói gì là uống.
Cái trò buôn bán gian lận, vụng ngầm của ả vẫn cứ diễn ra tốt đẹp, âm
thầm, cho đến một ngày. Ấy là ngày mà không hiểu có ai báo tin đến tai
ông phó lý, hoặc do ông đã nghi ngờ nên bỏ công rình rập từ lâu, nên đúng
lúc gã khách đang say sưa mút rượu từ cái vòi dưới bụng ả thì ông phó lý
ập tới bắt quả tang. Gã khách sợ quá xin xỏ rối rít rồi chạy mất, chỉ còn ả
và ông phó lý trong ruộng ngô rậm rạp, giữa cánh đồng bao la...
- To gan nhỉ! Biết lệnh cấm rồi mà vẫn dám bán rượu lậu? Ông cho
mày đi tù mọt gông!
- Ông ơi, ông thương con! Con cũng vì túng quá nên mới làm liều!
Con phải nuôi mẹ già, phải chăm con nhỏ, không đi bán rượu thế này thì
chỉ còn nước chết đói cả nhà thôi ông ơi!
- Bậy nào! Túng thì dân làng này đầy người túng, nhưng họ đâu có
làm liều? Ai túng quá cũng làm liều như mày thì cái làng, cái tổng này loạn
à? Thì quan Pháp, quan Tây xuống cắt cổ bọn ông à?
- Vâng! Con biết tội rồi, con không dám nữa! Xin ông tha cho!
Ả quỳ xụp xuống rãnh ngô lô nhô, nhơm nhớp, lầy lội bởi trận mưa
rào đầu vụ. Tay ả bám chặt lấy đôi giầy vải thơm nồng của ông phó lý, đầu
dập xuống đất, van lạy liên hồi. Phó lý lúc này vẻ đã xuôi xuôi, ông chầm
chậm ngồi xuống, dịu dàng vuốt mớ tóc rối bù của ả, giọng nhẹ nhàng:
- Còn rượu không? Bán cho ông 2 xu!
- Dạ! Con không dám ạ!