Hứng thú là vậy, nhưng khi nhắc đến khoản tiền phải nộp để được vào
làm ở công ty tôi thì chú Điền lại nhíu mày. Tôi hiểu điều này, bởi nhà chú
Điền là một trong những hộ nghèo nhất xã tôi. Lúc tiễn tôi ra cổng, giọng
chú Điền có vẻ rất quyết tâm: "Cháu cứ về đi, chú sẽ cố xoay tiền, khi nào
đủ chú sẽ báo!" - Vừa nói, chú Điền vừa lấy dây xích con chó nhà chú vào
gốc cây. Tôi hỏi sao lại phải xích như vậy, thì chú bảo vì bọn trộm chó bây
giờ manh động lắm, thả ra phát là chúng nó siết cổ kéo đi ngay.
Về tới nhà, tôi lập tức cởi bộ com-lê ra, rồi lấy dẻ ướt gột qua cho đỡ
bẩn (đúng ra là phải giặt, vì tôi đã mặc được hơn tuần rồi, nhưng chiều tôi
lại phải diện nó sang nhà mấy bác mấy cô bên họ ngoại, giặt sẽ không khô
kịp). Vừa gột được vài phát thì thằng con chú Điền chạy qua nói là bố nó
xoay được tiền rồi, bảo tôi sang lấy. Tôi sướng quá, lại diện bộ com-lê vào,
lao đi ngay. Tới nơi, tôi thấy chú Điền cùng với một gã nào đó đang trói
quặt con chó nhà chú ấy lại. Con chó rên ư ử, mồm nhỏ dãi, nằm tuyệt
vọng giữa sân. Chú Điền nhìn tôi, giọng bùi ngùi: "Chú vay mấy nhà quanh
đây mà vẫn chưa đủ, nên đành gọi thợ vào bán luôn con chó. Cũng hơi tiếc,
vì con chó này sống rất có tình...".
Con chó bị trói vẫn nằm đó và nhìn tôi bằng ánh mắt rất lạ, cứ như thể
tôi là thằng trộm chó vậy! Rồi mồm nó cố há ra, rít lên những tràng âm
thanh vô nghĩa, như đang muốn nhắn nhủ với tôi điều gì đó. Nó tưởng tôi là
đồng loại, và hiểu lời nó hay sao?
Lúc đưa tiền cho tôi, chú Điền cứ chùi chùi tay vào vạt áo, bảo: "Tay
chú vừa bắt chó, dính cứt chó, nên dính cả cứt vào tiền, hơi bẩn, cháu thông
cảm!". Tôi nghĩ thầm trong dạ: "Đúng là người nhà quê, chu đáo một cách
quá thể: Giờ, người đời chả coi chúng cháu như cứt, thế thì việc gì mà
chúng cháu phải sợ cứt!