cái đèo này. Hàng chữ khắc vào cổng viết:
"Đệ Nhất Quan." Sau bốn ngày, hai người trở về để thấy Mẫu Đơn đang
mong đợi họ trong trạng thái hoảng hốt.
Vào ngày mùng tám tháng Chín, khi Mạnh Giao và Hải Đường ra đi được
hai ngày thì Mẫu Đơn nhận được một điện tín ngắn của Bạch Huệ, chỉ có
sáu chữ:
“Anh ta bịnh:
Chị về ngay Bạch Huệ” Không có thêm một lời nào nữa. Vì sự ngắn ngủi,
những chữ này đâm vào người nàng như bằng sức nặng của kim khí. Nàng
chắc chắn rằng chữ "anh ta" chỉ Tần Châu. Dĩ nhiên cũng có thể là Như
Thủy, chồng Bạch Huệ, nhưng trường hợp đó không cần phải có sự mập
mờ trong điện tín. Hiển nhiên Bạch Huệ nghĩ rằng đủ quan trọng để gửi
một điện tín, một cách thông tin mới nhất vào lúc đó, và vẫn chưa được
quần chúng dùng nhiều. Qua thư từ, Bạch Huệ biết Mẫu Đơn vẫn yêu Tần
Châu tha thiết, và nghĩ rằng nàng sẽ không được tha thứ nếu không cho
Mẫu Đơn biết.
Hàng ngàn câu hỏi xô đến và làm nàng nghẹt thở; nàng không thể suy nghĩ.
Có phải đây là Tần Châu không? Đúng rồi. Chàng đau nặng đến mức nào,
và bệnh gì? Có phải bức điện tín do Bạch Huệ gửi, hoặc do chàng yêu cầu?
Chàng hẳn ao ước sự hiện diện của nàng lúc này, nếu không Bạch Huệ đã
không gửi điện tín. Rồi nàng nhớ lại một câu Tần Châu đã nói:
"Anh đang chết dần, từng chút một." Không thể như thế. Sự việc không xảy
ra như thế, trừ trong tiểu thuyết. Những giả thuyết này cứ quay cuồng trong
đầu óc nàng cho đến lúc nàng cảm thấy chóng mặt.
Khi trái tim chỉ cho biết không còn một lựa chọn nào khác thì rất dễ làm
một quyết định. Nàng lập tức viết thư và tự mình ra nhà bưu điện, báo cho
Bạch Huệ biết nàng sẽ rời Bắc Kinh ngay lúc nào có thể đi được, và kèm
theo một lá thư cho Tần Châu, như sau:
“Anh yêu dấu, Em sẽ tới bên cạnh anh dù anh ở bất cứ đâu, mạnh khoẻ hay
đau ốm. Hãy bình tĩnh, hỡi trái tim của em, em đang tới gặp anh và sẽ
không bao giờ xa anh nữa. Những ngày của em ở đây thì nửa buồn ngủ và
tất cả là điên rồ. Em đã cam kết dâng tất cả cho anh. Em đã nhận thức được