Chương 2
Những chuyến tàu ở vùng này chạy từ Đông sang Tây và từ Tây sang
Đông…
Trải rộng hai bên đường tàu ở vùng này là những hoang mạc mênh
mông – miền Sarozek và các thảo nguyên úa vàng thuộc miền Đất Giữa.
Ở vùng này, mọi khoảng cách bất kỳ đều được đem so với con đường
sắt, như so với kinh tuyến Greenwich.
Những chuyến tàu vẫn chạy từ Đông sang Tây và từ Tây sang Đông…
Từ ga Boranly - Bão Tuyết đến nghĩa địa Ana - Bejit của bộ tộc
Najman ít ra phải xa đường sắt đến 30 kilômét, đấy là theo đường thẳng và
với cách ước lượng của người dân vùng Sarozek. Nếu không đi liền để khỏi
bị lạc giữa thảo nguyên, thì nên đi dọc theo tuyến đường sắt, nhưng khi đó
quãng đường đến nghĩa địa sẽ xa hơn: sẽ phải đi vòng đến tận khúc quanh
thung lũng Kybyksai, rồi quẹo về phía nghĩa địa Ana - Bejit. Không còn lối
thoát nào khác, thế là ngắn nhất cũng mất ba chục versta
ấy đường về.
Nhưng ngoài Edigej ra, thì chẳng một ai trong số dân Boranly hiện nay
biết đường đi tới đó; tuy họ cũng nghe nói đến nghĩa địa Bejit lâu đời, qua
nhiều câu chuyện nửa như cổ tích, nửa như truyền thuyết. Nhiều năm nay,
đây là trường hợp đầu tiên ở Boraly - Bão Tuyết, một cái ga xép có tám nóc
nhà, mới có người chết phải đem chôn cất. Cách đây mấy năm, khi một
cháu gái bị chết vì bệnh suyễn, cha mẹ cháu đã đem thi hài cháu về chôn cất
ở tỉnh Ural quê họ. Còn vợ Kazangap – bà lão Bukej – thì yên nghỉ tại
nghĩa trang canh ga Kumbel: bà lão mất ở bệnh viện trên ấy cách đây mấy
năm, và người ta đã quyết định mai táng tại đó. Đưa bà lão về Boranly -
Bão Tuyết là vô nghĩa. Kumbel là ga lớn nhất ở miền Sarozek; hơn nữa, ở
đấy có cô con gái Ajzada và thằng con rể tuy nghiện ngập hư đốn, nhưng
dầu sao cũng là thân thích ruột rà. chúng nó sẽ chăm nom phần mộ. Vả