Nguyễn Hiến Lê & Giản Chi
Vài nét sơ lược về sự Phát triển của Triết học Trung Hoa
MỘT CHÚT ĐỊA LÝ VÀ LỊCH SỬ
HAI CON SÔNG
Không phải miền trung châu của một con sông lớn nào cũng là khởi điểm
của một nền văn minh (sông Cửu Long ở nước ta, sông Amazone ở Nam
Mỹ, sông Niger ở Phi châu chẳng hạn không có công gì với nền văn minh
thời cổ của nhân loại)
; nhưng những nền văn minh sớm nhất của thế
giới đều phát minh ở miền trung châu những con sông lớn: văn minh ở
miền Mésopotamie xây dựng trên lưu vực hai con sông Tigre và Euphrate;
văn minh Ai Cập là “tặng vật” của con sông Nil, mà văn minh Trung Hoa
cũng phát sinh trên lưu vực hai con sông Hoàng Hà và Trường Giang (gọi
là Dương Tử Giang). Lẽ ấy dễ hiểu: nhân loại bắt đầu văn minh từ khi bỏ
đời sống du mục mà chuyển qua đời sống canh nông, mà nông nghiệp chỉ
phát triển được trên những cánh đồng lớn và phì nhiêu, vì vậy nền văn
minh đầu tiên của nhân loại có tên là “văn minh phù sa”
Vậy trước khi xét văn minh Trung Hoa – triết học cũng như văn học, nghệ
thuật… - chúng ta phải nhắc đến con sông Hoàng Hà, rồi tới con sông
Trường Giang.
Chúng ta nhớ hai câu thơ của Lý Bạch mở đầu bài Tương tiến tửu, mạnh
mẽ như thác đổ:
----
Quân bất kiến Hoàng Hà chi thuỷ thiên thượng lai,
----
Bôn lưu đáo hải bất phục hồi?
Con sông Hoàng Hà đó quả là “thiên thượng lai”, vì nó bắt nguồn từ trên
“nóc địa cầu” (tức miền Tây Tạng) chảy ngược lên phương Bắc rồi lại vòng
xuống phương Nam, uốn khúc một lần nữa rồi đổ ra biển. Nó dài trên bốn
ngàn cây số, nước chứa nhiều phù sa vàng, lòng sông hay di chuyển, và tới