Nhân cơ hội đến thăm con học ở Nam Kinh, chị về thành phố S ở vùng
Tô Nam. Hà Thụy vừa được đề bạt làm bí thư thị ủy ở đấy.
Oánh Oánh nói với cậu em họ về khoản tiền bẩn Văn Hòa để lại, đề nghị
Hà Thụy giúp chị nghĩ cách giải quyết. Chị bảo chị sẽ nghe theo, muốn giải
thoát triệt để, nếu không lúc nào cũng không yên tâm.
Hà Thụy bảo Oánh Oánh chủ động trình báo với cơ quan tư pháp, tranh
thủ sự khoan hồng. Giữ được công tác coi như giữ được tất cả. Ở một cơ
quan chuyên quản việc bán buôn thuốc lá, tiền lương và tiền hưu trí đều rất
cao, có thể bảo đảm cuộc sống sau này. Hà Thụy nói đúng tâm lý Oánh
Oánh: “Có những lúc tiền không phải là thứ tốt lành, nhất là khi nó trở
thành nỗi lo của chị”.
Trên đường chị về Tứ Phương, Hà Thụy gọi điện cho ông Lư, Bí thư
thành ủy, vốn là bạn học, bảo bà chị họ Oánh Oánh được anh giáo dục,
nhận ra tội lỗi giấu khoản tiền hối lộ của chồng cũ là Văn Hòa, chị ấy sẽ
chủ động trình báo với cơ quan tư pháp.
Oánh Oánh về đến Tứ Phương liền đến Cục Chống tham nhũng của Viện
Kiểm sát thành phố giao nộp khoản tiền một triệu hai trăm bảy mươi nghìn.
Chị có đủ căn cứ, ghi chép rõ từng khoản. Tiếp chị là một nữ phó cục
trưởng, bà ta bảo khoản tiền này đã qua một thời gian dài, từng khoản
không lớn, khoản lớn nhất cũng chỉ ba nghìn đồng, nhưng cộng lại thì lớn.
Oánh Oánh hỏi, chị làm như thế có phải là tự thú, có phải là lập công?
Bà phó cục trưởng nói, tất nhiên là thế. Lập xong biên bản bà ta để Oánh
Oánh về, còn bắt tay chị. Hành động ấy khiến Oánh Oánh yên tâm.
Hơn ba giờ chiều Oánh Oánh về đến nhà, chị lên giường đi ngủ. Giấc
ngủ nặng nề, chị ngủ đến tận chín giờ tối mới dậy. Trong lúc đó, Hồ Bằng
đi làm về thấy vợ ngủ, anh cũng không thổi cơm, anh bực tức đá thúng
đụng nia nhưng cũng không làm Oánh Oánh tỉnh giấc.
Tỉnh dậy, Oánh Oánh vẫn nằm trên giường, nói với Hồ Bằng: “Những
ngày ngủ được thật dễ chịu, dễ chịu chết đi được!”.
Hồ Bằng nói: “Như vậy là Oánh đã sống lại?”. Thấy Oánh Oánh không
nói gì, anh lại tiếp: “Không biết suốt ngày Oánh nghĩ những gì?”.