tâm sâu sắc hơn. Tuy nhiên, các kết quả nghiên cứu ít được đặt dưới góc nhìn
tổng quan, chưa đạt được tính nhất quán dù chúng là cơ sở dữ liệu vô cùng quý
giá. Đến đây, chúng tôi nhận thấy thời điểm đã chín muồi để bắt đầu công cuộc
nghiên cứu của mình. Luận án này nghiên cứu vấn đề bằng hướng tiếp cận văn
hóa học, chủ động liên kết các góc nhìn, các hướng nghiên cứu và sử dụng tối
đa thành quả nghiên cứu của người đi trước để phác họa một bức tranh tổng
thể về nguồn gốc tộc người và văn hóa, quy luật phát triển và các mối quan hệ
văn hóa truyền thống ở Việt Nam trong phạm vi văn hóa Bách Việt vùng Lĩnh
Nam. Luận án này chỉ là một sự khởi đầu.
2. LỊCH SỬ NGHIÊN CỨU VẤN ĐỀ
Trong phạm vi tư liệu bao quát được, chúng tôi tiến hành phân thành ba
mảng nội dung chính, gồm (1) lịch sử nghiên cứu các vấn đề chung về lịch sử
và văn hóa Bách Việt; (2) lịch sử nghiên cứu văn hóa Bách Việt ở Lĩnh Nam;
và (3) lịch sử nghiên cứu mối quan hệ văn hóa Bách Việt và văn hóa truyền
thống ở Việt Nam.
a. Lịch sử nghiên cứu các vấn đề lịch sử, văn hóa Bách Việt
Có thể nói, nghiên cứu các vấn đề lịch sử, văn hóa Bách Việt cổ không mới,
bởi trên thế giới đã có hàng nghìn tác phẩm, bài viết chuyên luận của giới
nghiên cứu dân tộc học, khảo cổ học, sử học v.v. được công bố. Trong số ấy,
các tác giả Trung Quốc (kể cả đảo Đài Loan) chiếm đa số.
Ở Trung Quốc, toàn bộ hoạt động nghiên cứu lịch sử, văn hóa Bách Việt
phân làm ba giai đoạn, gồm trước 1949, giai đoạn 1949-1979, và giai đoạn
1980 đến nay.
Giai đoạn trước 1949, chúng tôi gọi là giai đoạn đặt nền tảng cho toàn bộ
giới nghiên cứu Bách Việt về sau. Từ các triều đại phong kiến Tần-Hán đến
Minh- Thanh, trong cổ sử Trung Hoa đã để lại nhiều tác phẩm dành riêng về
Bách Việt, có thể kể như Ngô Việt Xuân Thu (thời Hán); Việt Tuyệt Thư (đời
Đông Hán); Bách Việt tiên hiền chí (thời Minh). Đồng thời, các chính sử Trung
Hoa như Quốc Ngữ (thời Xuân Thu), Dật Chu Thư (thời Chiến Quốc), Trúc
Thư Kỷ Niên (thời Chiến Quốc), Sử Ký (thời Hán), Hán Thư (thời Hán); Hậu
Hán Thư(thời Nam Triều- Tống), Tam Quốc Chí (thời Tấn), Tấn Thư (thời