I. Ý NGHĨA CHỮ VĂN-HÓA
GIỚI THUYẾT
VỀ ý nghĩa của chữ Văn-hóa và chữ Văn-minh (tương đương với tiếng
Pháp là Civilisation và tiếng Đức là Kultur), các nhà học giả thế giới, nhất là
Tây-phương, bàn cãi đã nhiều lắm ; ở đây tôi đã không thể nhắc lại tất cả
những cuộc thảo luận ấy thì cũng xin gác bỏ hẳn ra ngoài, mà chỉ nói khái
quát về cái ý nghĩa mà chính tôi đã thừa nhận.
Người ta thường nói dân tộc văn-minh, thời đại văn-minh để đối với
dân tộc dã-man, thời đại dã-man. Trái lại, người ta thường nói văn-hóa Tây-
phương, văn-hóa Đông-phương (văn-minh), văn-hóa các dân tộc Da-đen,
Da-đỏ (dã-man), văn-hóa đồ đá cũ, văn-hóa điện khí. Xem thế, ta nhận thấy
ngay chữ văn-hóa khác với chữ văn-minh thế nào, tuy rằng theo các ý-niệm
khác nhau ấy, tiếng Pháp đều nhất tề dùng một chữ CIVILISATION thôi.
Ta có thể nói rằng chữ « văn-minh » dùng để chỉ một trình độ văn-hóa
khá cao như trình độ các dân tộc Âu-Mỹ, dân tộc Trung-hoa, Ấn-độ, trái với
chữ « dã-man » dùng để chỉ một trình độ văn-hóa thấp như trình độ các dân
Mọi ở Trường-sơn, các dân Da-đen ở Phi-châu, các dân Da-đỏ ở Mỹ-châu.
Văn-hóa không phải là văn-minh, mà văn-minh chỉ là giai đoạn khá cao của
văn-hóa.
Người ta lại thường lầm rằng văn-hóa là những cái thuộc về tinh thần
như tư tưởng, học thuật, tôn giáo, pháp luật, cơ hồ lộn văn-hóa với ý thức hệ
(idéologie). Ý thức hệ chỉ là biểu hiện những trạng thái sinh hoạt về trí tuệ,
tình cảm, chỉ là một phần của văn-hóa, vì văn-hóa bao hàm hết thảy các
phương diện sinh hoạt của loài người, từ sinh hoạt vật chất, sinh hoạt tinh
thần cho đến sinh hoạt xã-hội.
Vì văn-hóa bao gồm hết cả các phương diện của sinh hoạt cho nên ta có
thể nói rằng « văn-hóa tức là sinh hoạt ». Tuy nhiên, văn-hóa với sinh hoạt
vẫn là hai cái khác nhau, chứ không phải rằng hai chữ « văn-hóa » và « sinh
hoạt » có thể thông dụng với nhau được đâu.