Người nhà quê bì bõm trong bùn dưới nắng để cày ruộng, người ấy
đương sinh hoạt chứ không phải hoạt động về văn-hóa. Nhưng những người
xưa đã nhờ kinh nghiệm và thiên tài mà biết chế ra lưỡi cày đồng hay sắt để
thay cho lưỡi cuốc đá, đã biết dùng trâu bò mà thay sức người, cũng như các
nhà kỹ sư nông học lợi dụng khoa-học mà cải lương kỹ-thuật nghề nông,
đều đã sản sinh giá trị văn-hóa, làm cho văn-hóa tiến bộ nhiều lắm. Khi
người mất trộm vác đơn đi kiện, khi ông quan tòa ngồi xử kiện, họ chỉ sinh
hoạt, nhưng tất cả những người đã tham dự xa gần vào sự tạo thành tục lệ
hay pháp luật, cùng sự tổ-chức pháp đình là đã hoạt động về văn-hóa.
Những người đào kép nhẩy múa trên sân khấu chỉ sinh hoạt, nhưng khi họ
gắng công tập một điệu múa điệu hát xưa, hay đặt một điệu múa mới, một
điệu hát mới, thì cũng như những người viết tuồng, những người bố cảnh, họ
hoạt động về văn-hóa.
Theo các tỷ dụ ấy, chúng ta thấy văn-hóa và sinh hoạt có chỗ giống
nhau và khác nhau thế nào. Nhưng thực ra chúng ta không thể lấy văn-hóa
và sinh hoạt làm hai vật đối lập mà so sánh với nhau, vì văn-hóa không thể
nào lìa sinh hoạt ra mà phát triển được. Văn-hóa chỉ có thể phát triển ở trên
đám đất sinh hoạt mà thôi.
Nhưng các động vật cũng sinh hoạt mà sao không có văn-hóa ? Chính
bởi văn-hóa mà loài người khác với loài động vật vậy. Ta có thể nói rằng
văn-hóa là thành tích của sự gắng sức không ngừng của loài người để thoát
ly dần dần sự áp bách của tự nhiên – chính loài người cũng là một phần của
tự nhiên – là bao nhiêu lực lượng loài người sáng-tạo và vận dụng – từ sự
phát minh ra lửa, sự dùng quần áo, làm nhà cửa, đến sự ứng dụng điện khí,
sự chế tạo tàu lặn, máy bay, từ các ma thuật và thần thoại của người thái cổ
cho đến những nghệ thuật, triết-học và khoa-học đời nay – để chống cự và
chinh phục tự nhiên. Những lực lượng ấy là biểu hiện những trạng thái sinh
hoạt của loài người, kết tinh thành những hình thức tương đương mà ta
thường gọi là những giá trị văn-hóa. Ta có thể nói rằng văn-hóa là những giá
trị biểu hiện cuộc sinh hoạt mạnh mẽ của loài người, trong cả các phương
diện vật chất, tinh thần và xã-hội.