Bằng vào giới thuyết ấy, tôi xin kể đại khái những môn bộ gồm thành
văn-hóa như sau này : hình thái kỹ-thuật, hình thái kinh tế, hình thái chính
trị, pháp luật, binh chế, giáo dục, ngôn ngữ, văn tự, văn-học, nghệ thuật,
khoa-học, triết-học, phong tục, lễ nghi, tôn giáo, v.v… Cũng bằng vào giới
thuyết ấy, chúng ta thấy rằng đời nào cũng có văn-hóa, dân nào cũng có văn-
hóa, có khác nhau chỉ là trình độ hơn kém mà thôi.
ĐIỀU KIỆN CỦA VĂN-HÓA
Ở mục trước, tìm giới thuyết của văn-hóa, chúng ta đã thấy rằng văn-
hóa là những giá trị biểu hiện những trạng thái sinh hoạt của loài người, nhờ
đó mà loài người phân biệt với các loài động vật khác. Nhưng ta lại biết rằng
loài người sở dĩ thoát ly được tình trạng động vật mà thành người là nhờ sự
góp sức làm việc. Vậy văn hóa là kết quả của sự làm việc của loài người
sống trong xã-hội. Xem thế thì điều kiện đầu tiên của văn-hóa là sự làm
việc.
Cái kết quả của sự làm việc – văn-hóa – tất nhiên là tương đương với
trạng huống của công-cụ làm việc, hay là công cụ sinh sản. Tùy theo trạng
huống của công cụ ấy ở mỗi thời đại, mỗi dân tộc, mà mỗi thời, mỗi dân có
cách vận dụng công cụ để sinh sản, tức là có phương pháp sinh sản riêng. Ví
dụ một dân tộc dã-man nọ ở Úc châu chỉ có cái cung và cái thương là công
cụ chủ yếu. Cách sinh sản thực phẩm của họ là do trạng huống công cụ thô
lậu ấy quyết định, nên phương pháp sinh sản rất thô lậu của họ, không thể so
sánh nổi với phương pháp sinh sản của các dân tộc Âu Mỹ có những công
cụ tinh vi thần diệu như máy hơi nước và hơi điện.
Một phương diện khác, người ta, dẫu là những kẻ thiên tài lỗi lạc, dẫu
là những kẻ có sức làm việc mạnh khỏe phi thường, cũng không thể nhờ vào
sự làm việc một mình mà sống nổi. Người ta cần phải có phân công hợp tác
với nhau. Nhưng sự phân công hợp tác – tức xã-hội học gọi là quan hệ sinh
sản – lại do phương pháp sinh sản mà quyết định. Các dân tộc sơ khai, và
bán khai ở giai đoạn du mục, canh nông, do phương pháp sinh sản thấp kém
mà tổ-chức sự phân công hợp tác một cách không thể giống với sự phân