Nghĩ như vậy liền phán:
- Có việc chi thì Bao khanh hãy tâu cho Trẫm biết.
Bao Công tâu:
- Vả Dương Tôn Bảo là người trấn giữ biên cương, chốt ngăn kẻ địch từ 30
năm nay, công lao rất lớn. Công ấy, tội ấy dù Bệ hạ có chiếu theo luật nước
thì cũng tương công chiết tội được, vậy mà Bệ hạ lại xử tam ban triều điển.
Còn Lý Thành ám hại Tiêu Đình Quý mà mạo nhận công lao. Dương Tôn
Bảo chiếu theo quân pháp mà trị tội thì cũng đáng lắm. Nay vợ Lý Thành là
Trầm thị, không giữ bổn phận đàn bà, dám cả gan đến tâu giữa triều như
vậy thì cũng có người chủ sự cho nên Trầm thị mới dám làm. Còn Tôn Võ
ra đến Tam Quan không tra xét công khố mà lại trả giá đòi ăn hối lộ, ấy là
bọn nịnh thần khi quân ngộ quốc đó. Vì vậy cho nên Tiêu Đình Quý kẻ lỗ
mãng giận đánh Tôn Võ như thế, thì cũng không lấy chi làm trọng tội.
Bao Công mới tâu đến đó thì Bàng Hồng đã kinh hãi lật đật quỳ tâu:
- Mấy lời Bao Chuẩn tâu đó đều là vô bằng, xin Bệ Hạ xét lại
Thiên tử nói:
- Bao khanh đang ở Trần Châu làm sao biết rõ việc Tam Quan được?
Bao Công tâu:
- Chẳng những tôi biết các việc ở Tam Quan mà cả công việc của lũ gian
thần ở triều đình khi quân miệt pháp nữa. Để tôi tâu rõ việc gian thần trong
trào cho Bệ hạ nghe. Bệ hạ không rõ lại giao Tiêu Đình Quý cho Trầm
Quốc Thanh tra xét, té ra bọn chúng che lấp việc Tôn Võ đòi hối lộ cứ tra
xét việc mất chinh y hoài, mà Tiêu Đình Quý cũng không chịu cung chiêu.
Trầm Quốc Thanh lập một tờ cung chiêu giả mà mạo tấu cùng Bệ hạ. Nếu
khi ấy không có Dư Thái hậu đến giữa trào mà phân biện thì Tiêu Đình
Quý đã làm quỷ không đầu rồi và Dương Tôn Bảo cũng phải thác oan về
việc ấy nữa. Có phải lũ gian nịnh toa rập nhau mà khi quân vọng thượng
chăng? Vì vậy tôi phải vội vã về triều đặng xin Bệ hạ cho tôi tra xét việc ấy
mà làm cho ra lẽ công bình.
Khi Bao Công tâu mấy lời ấy thì Trầm Quốc Thanh và Tôn Võ đều lo sợ
lắm.
Thiên tử phán: