Năm 1978, Penzias và Wilson đoạt giải Nobel nhờ phát hiện của họ.
Đến năm 2006, hai nhà vật lý thiên văn Jonh C. Mather và George F. Smoot
cũng chia nhau giải Nobel nhờ quan trắc CMB trên một phổ dải rộng, đưa
vũ trụ học từ một ao làng non nớt chứa các ý tưởng sáng giá mà thiếu kiểm
chứng trở thành địa hạt của khoa học thực nghiệm, chính xác.
Vì ánh sáng cần thời gian để đi từ những vùng xa xôi trong vũ trụ đến
chúng ta, nên nếu nhìn vào không gia sâu thẳm, ta thật sự có thể thấy được
hàng tỉ năm về trước. Do đó nếu những dân cư có trí tuệ ở thiên hà xa tít tắp
muốn đo nhiệt độ của bức xạ nền vũ trụ vào thời điểm mắt ta nhìn thấy, họ
sẽ có được nhiệt độ cao hơn mức 2,7 độ, bởi họ đang sống ở một vũ trụ trẻ
hơn, nhỏ hơn và nóng hơn chúng ta.
Hóa ra bạn có thể thực sự kiểm nghiệm giả thuyết này. Phân tử
xyanogen CN (có một thời là thành phần hoạt tính trong chất khí mà đao
phủ sử dụng đối với tội phạm sát nhân chịu án tử) bị kích thích khi tiếp xúc
với vi sóng. Nếu có vi sóng ấm hơn vi sóng ở trong CMB của chúng ta,
chúng sẽ kích thích phân tử nhiều hơn một chút. Trong mô hình vụ nổ lớn,
xyanogen ở các thiên hà xa và trẻ hơn ngập trong một nền vũ trụ ấm áp hơn
xyanogen ở dải Ngân Hà của chúng ta. Và đó chính xác là điều ta quan sát
được.
Bạn không thể bịa ra chuyện này.
Tại sao điều kể trên lại có chút thú vị? Vũ trụ đã mờ đục đến tận
380.000 năm sau vụ nổ lớn, nên bạn không thể chứng kiến cảnh vật chất
thành hình, dẫu bạn có ngồi hàng ghế sát sân khấu đi nữa. bạn không thể
nhìn thấy nơi mà các cụm thiên hà và khoảng không gian trống đang hình
thành. Trước khi bất kì ai có thể nhìn thấy thứ gì đáng thấy, photon phải di
chuyển xuyên vũ trụ mà không gặp trở ngại, trong vai trò người vận tải
thông tin.
Điểm mà mỗi photon bắt đầu chuyến du hành xuyên vũ trụ chính là vị
trí nó đã va đập vào electron cuối cùng đứng cản đường – gọi là “điểm gây
tán xạ cuối cùng”. Khi càng nhiều photon thoát ra mà không va đập, chúng