10. GIỮA CÁC HÀNH TINH
Từ xa, hệ Mặt Trời với các hành tinh xem chừng trống trải. Nếu bạn
bọc nó lại bên trong một quả cầu - đủ lớn để bao phủ quỹ đạo Sao Hải
Vương, hành tinh ngoài cùng
- thì tổng thể tích của Mặt Trời, tất cả hành
tinh và mặt trăng của chúng sẽ chiếm chỉ hơn một phần nghìn tỉ không gian
bị bao phủ. Nhưng khi nhìn cận cảnh, không gian giữa các hành tinh lại chất
chứa đủ loại đá, sỏi, khối cầu băng, bụi, những luồng hạt tích điện và các tàu
thăm dò được phóng lên xa tít. Không gian cũng tràn ngập từ trường và các
trường hấp dẫn kỳ vĩ.
Không gian liên hành tinh là không-trống-rỗng đến nỗi Trái Đất, suốt
hành trình 30 kilômét một giây trên quỹ đạo, phải cày qua hàng trăm tấn sao
băng mỗi ngày - hầu hết chúng không lớn hơn một hạt cát. Gần như tất cả
chúng đều bị thiêu rụi trong thượng tầng khí quyển của Trái Đất, do va đập
vào không khí với quá nhiều năng lượng nên các mảnh vụn bốc hơi ngay khi
tiếp xúc. Giống loài mỏng manh chúng ta tiến hóa dưới lớp vỏ bảo vệ này.
Sao băng nếu lớn hơn, cỡ bằng quả bóng gôn thì nóng lên nhanh nhưng
không đồng đều, và thường vỡ ra thành nhiều mẩu nhỏ trước khi chúng bốc
hơi. Sao băng lớn hơn nữa sẽ bị cháy sém bề mặt, nhưng ngoài chuyện đấy
ra thì chúng đáp thẳng xuống mặt đất mà không sứt mẻ gì. Có lẽ bạn nghĩ
rằng đến bây giờ, sau 4,6 tỉ chuyến đi vòng quanh Mặt Trời, Trái Đất hẳn đã
“hút bụi” sạch mọi mảnh vụn có thể xuất hiện trên quỹ đạo di chuyển của
nó. Thế nhưng đã có một thời tình cảnh còn thê thảm hơn rất nhiều. Trong
nửa tỉ năm sau khi Mặt Trời và các hành tinh của nó hình thành, hằng hà sa
số mảnh phế thải đổ xuống Trái Đất đến nỗi nhiệt năng do va chạm liên tục