Tân giận run lên bần bật. Song chính vì vậy mà anh không chịu rút lui.
Không thể chấp nhận thất bại dễ dàng như vậy. Khi con người cuối cùng
của đoàn tới đích cũng có nghĩa là cả đoàn đã tới đích. Khó khăn cũng phải
lao tới vì đây là nhiệm vụ của làng.
Tân kiên trì:
- Bác Hinh, sao lại nổi nóng. Tôi muốn bàn chuyện tử tế với bác về
công việc hợp tác xã liên quan đến mỗi chúng ta. Tôi sẽ lắng nghe mọi ý
kiến của bác và đề nghị bác nghiên cứu ý kiến của tôi. Phải tìm ra một tiếng
nói chung. Bác mạt sát tôi như vậy phỏng có ích gì?
Người nông dân có nghề truyền thống là cặp kè dường như thấy mình
đã quá lời. Ông ta vung tay khoát một cử chỉ vô nghĩa và lúc lắc mãi cái
đầu, miệng lúng búng như là nói với riêng mình:
- Nói chuyện à? Có ý phải bàn hả? Đại tá thì lắm mưu nhiều kế và
giống như những tay trên tỉnh, trên huyện về, chỉ khéo rót đường rót mật
vào tai người ta xong rồi là cút. Ta đây đếch cần những thứ đó! Ta cần cơm
để đổ vào mồm!
Rồi ông ta tiếp:
- Đường, mật của các anh thì ruồi cũng chẳng thèm bay đến. Ái chà
chà! Mới nghe nói mới sướng tai phổng mũi. Ruộng đất về tay người cày
để cùng làm cùng hưởng ư? Rồi đến một loạt những từ ngữ đếch hiểu là cái
gì. Hợp tác hóa, hóa học hóa, cơ khí hóa, điện khí hóa, tự động hóa, thành
thị hóa, chuyên môn hóa, kế hoạch hóa... Có đến một trăm thứ hóa để đến
nỗi hôm nay tranh nhau mảnh ruộng chẳng còn ra cái chó gì. Sao không
bán mẹ những thứ hóa ấy đi mà ăn? Rồi lại đến một trăm thứ nhất: anh
hùng nhất, vĩ đại nhất, thủy chung nhất, gian khổ nhất, quyết liệt nhất,
trong sáng nhất, đúng đắn nhất, dân chủ nhất, tốt đẹp nhất, vinh quang nhất,
chói lọi nhất... Sao không nói tới một trăm cái nhất nữa là nghèo khổ nhất,