- Người nông dân của chúng ta hôm nay khác quá xa với những năm
tôi và ông còn ở làng cầm cày cầm cuốc. Họ rất nhạy cảm với thời cuộc.
Họ chỉ ở làng nhưng biết rất rõ bên Liên Xô cho đấu thầu đất đai năm mươi
năm. Họ tỏ ra năng động và rất hiểu mảnh đất đẫm mồ hôi của mình nên sử
dụng như thế nào cho hiệu quả nhất. Họ nuôi khát vọng một đời sống dễ
chịu đã mấy chục năm. Họ đáng ngợi ca trước khi có thể phê phán. Tính
manh động của họ, nếu có ở nhiều trường hợp cũng là do sự thúc đẩy của
những ước mơ chưa thành đạt. Họ đang tố cáo việc thu hồi sản phẩm quá
nặng, nghe tin có nghị quyết Mười lập tức chuyển sang xin dãn đội hình
hợp tác xã toàn xã. Có nơi còn bày tỏ nguyện vọng trao ruộng đất về từng
hộ gia đình. Những vấn đề này lớn quá. Vượt tầm của cấp huyện chúng ta
rất nhiều.
Song những điều giãi bày ấy, bí thư huyện ủy mới hỏi tới tình hình các
xã khu nam, trong đó có thôn Cao và thôn Thị. Hân trình bày, song bài bản
sắp sẵn trong đầu óc anh bay sạch. Anh không còn hứng thú. Anh có cảm
giác như bí thư hỏi là để có thêm cơ sở khẳng định chứ thực ra đã biết hết
mọi chuyện.
Hân chờn chợn. Con người này thật khó đánh giá. Lúc tỏ ra sắc sảo và
rất linh hoạt. Lúc lại như buồn bực vì những ưu tư. Hân có thói quen nắm
bắt cấp trên nhưng với bí thư huyện ủy anh thấy gần gũi đấy mà vẫn xa vời.
Bởi lẽ ấy anh cần thận trọng. Giờ đây chưa phải thời cơ tung chuyện người
ta kiện tụng La ra bàn.
Hôm sau, Hân tháp tùng bí thư huyện ủy về vùng nam sông Thưa. Các
xã khu nam trải dài từ Phạm Trấn tới Đúc Xương dọc theo bờ sông hoặc
những dòng chi lưu. Con sông lượn lờ từ Xịch qua Trại Vệ, qua Đò Thưa
qua Ánh và Bượi Cầu thì chẳng hiểu sao lại đổ vội về Đò Đáy, qua Yết
Kiêu để rồi nhập vào với sông Thái Bình. Ngày xưa vùng này chi chít đồn
bốt giặc mà Đò Thưa là một trong những vị trí hung ác nhất.