Hân và bí thư huyện ủy đều triền miên suy nghĩ về một vùng đất họ
đang tới, Hiệp định Giơ-ne-vơ về Đông Dương được ký kết, hòa bình lập
lại, niềm vui tràn ngập khắp mọi nhà. Rồi cải cách ruộng đất và cao trào
hợp tác hóa nông nghiệp sôi động khắp xóm thôn hẻo lánh. Từ bữa ấy tới
hôm nay là một chặng đường dài. Người nông dân nuôi trong mình biết bao
khát vọng. Kháng chiến chống Pháp mong ước ngày độc lập. Độc lập rồi
chờ cải cách ruộng đất để làm ăn tập thể tiến lên chủ nghĩa xã hội. Rồi
kháng chiến chống Mỹ. Rồi sản xuất lớn xã hội chủ nghĩa, lập hợp tác xã
và xây dựng quy mô cấp huyện. Bấy nhiêu giai đoạn là bấy nhiêu ước mơ,
người dân cứ việc đổ mồ hôi và xương máu để bước từ nấc thang này sang
nấc thang kia, nhưng hỡi ơi, cái thang đó nằm ngang. Có lúc anh chạy hẳn
hoi nhưng chỉ là chạy tại chỗ. Bởi vì ở làng quê ta hôm nay còn gian khổ
lắm, người nông dân vẫn nhọc nhằn với hòn đất ải để bữa sớm bữa chiều
bát cơm khi vơi khi đầy tùy theo kết quả của từng mùa. Lại còn bao tệ nạn
nảy sinh. Họ kéo nhau đi kiện, đi đòi gặp lãnh đạo cấp trên chính là mong
muốn giải tỏa một bế tắc. Khát vọng vươn tới của người nông dân dường
như không biết mệt mỏi là gì.
Tới ngã tư Trạm Bóng xe rẽ sang đường Hai mươi. Bí thư huyện ủy
đột nhiên hỏi anh cán bộ dưới quyền:
- Ông trả lời gọn xem là vì sao bà con làng Thị đề nghị xem xét lại
quy mô hợp tác xã nông nghiệp?
Câu hỏi làm Hân bất ngờ. Nhưng không thể không trả lời. Lại càng
không thể sơ sểnh. Suy nghĩ một lát anh quyết định trả lời chung nhất:
- Họ muốn làm giàu riêng lẻ.
Bí thư nhìn thẳng vào mặt Hân:
- Nghĩa là người làng Thị cục bộ?
Anh cán bộ huyện ủy khẳng định: