- Chính như vậy.
Bí thư rõ ràng đang suy nghĩ về một điều sâu xa nên không để cho
người đối thoại với mình yên được:
- Thế thì đúng hay sai?
Hân chưa biết trả lời ra sao bèn tảng lờ bằng cách đăm đăm nhìn ngọn
tháp nhà thờ Ba Đông cao vút. Đó là một làng công giáo toàn tòng của
những năm trước thời kỳ chia cắt đất nước. Những ngày lực lượng vũ trang
hai bên tập kết theo Hiệp định Giơ-ne-vơ năm 1954 về Đông Dương, bà
con giáo dân vào Nam, làng gần như bỏ không. Các gia đình vùng chung
quanh được phép kéo đến ở. Họ sửa sang nhà cửa và xây dựng thôn xóm
theo quy mô mới. Từ ngày lập chính quyền cách mạng, xã ấy chỉ có hai
thôn. Và từ ngày xa xưa nữa họ cũng nằm trong một tổng gọi là tổng Thị.
Dân làng Thị tự hào thôn mình được mang tên tổng thì dân làng Cao dường
như chưa bao giờ thừa nhận cái làng nhỏ bé kề bên kia là bậc ngang hàng.
Từ những ngày xa xăm ấy dân hai làng không ngừng tìm ra những ưu điểm
của mình và nhược điểm của bạn để mà so sánh, để mà chế nhạo. Làng Cao
cho rằng giếng nước làng mình bề thế nguy nga thì làng Thị tự hào bởi
giếng làng mình trong veo, nước ngọt như nước đường phèn, con gái uống
vào da trắng như trứng gà bóc. Làng Cao tự hào với cổng Đá, cổng Và,
cổng Đông đồ sộ thì làng Thị đối lại bằng cổng Hột có tầng gác cho một
tiểu đội tuần đinh ngủ canh với cây đa làng bảy người ôm mới xuể. Làng
Cao khoe rằng đình làng mình có cột lim đẫy hai vòng tay người thì làng
Thị khẳng định thần hoàng làng mình thiêng hơn, lại có hai cây quéo ở
trước cửa để trở thành đất thơm cho cò, vạc, chim, muông trú ngụ. Làng
Cao bảo làng Thị chỉ như cái trại của họ, thì dân làng Thị tuyên bố: "Chơi
với quân Rồng mất gồng mất gánh", hoặc hát: "Qua Thông xuống Bóng
chớ vào Rồng. Vào Rồng chó cắn gẫy gậy lại ra không".
Hoạt động ở vùng nam sông Thưa, cả Hân và bí thư huyện ủy đều hiểu
những câu hát kia mang ý gì rồi. Chợ Thông, chợ Bóng, chợ Rồng là to