nhất của vùng nam sông Thưa. Người ăn mày ngày trước chống gậy xin
cơm cũng không thể nghĩ đến chuyện vào làng Rồng, tức là một tên gọi của
làng Cao, mà dân làng Cao rất đỗi tự hào. Những ngày chống Pháp, lính
quận Chương vào qua Kim Trang bò sang vây làng Thị thì du kích làng
Cao xông ra chi viện đánh chặn, ngược lại lính bót Đò Neo qua đường Hai
mươi đánh vào làng Cao thì du kích làng Thị vận động sang phối hợp chiến
đấu. Nhưng làng Cao vẫn là làng Cao, làng Thị vẫn là làng Thị. Nghĩa là
đình làng Cao to hơn, đình làng Thị có thần hoàng thiêng hơn. Hợp tác xã
quy mô toàn xã, những vấn đề riêng của mỗi làng nảy sinh, quyền lợi mặt
này mặt khác của mỗi làng đụng độ, cây đa, giếng nước đặc trưng cho làng
nào là phải của riêng làng ấy không thể lẫn lộn được. Được vài năm làm ăn
đâu ra đấy nhưng rồi sản xuất cứ chểnh mảng dần, mâu thuẫn phát sinh, tồn
đọng này chưa kịp giải quyết thì va chạm khác đã nảy nở. Nếu có thể ví đây
là một cặp vợ chồng thì người vợ là dân làng Thị đang muốn ly dị để chỉ
còn coi nhau như anh em hay bạn bè bằng hữu.
Bí thư huyện ủy lại đưa ra câu hỏi:
- Người ta đòi xem xét lại đội hình sản xuất là do động cơ kinh tế
nhưng chẳng lẽ chỉ có thế?
Cán bộ kiểm tra huyện ủy chau mày. Bao nhiêu lần anh toan giành
quyền chủ động nêu vấn đề chung đều lần lượt bị buộc phải trả lời theo
chiều hướng khác. Anh muốn tỏ ra lơ đãng, song như vậy lại mâu thuẫn với
chính động cơ xuyên suốt của mình. Một con người như Hân có bao giờ và
lúc nào muốn để cấp trên không vừa ý. Anh trả lời lưỡng lự:
- Có thể còn nguyên nhân khác?
Bí thư chộp ngay lấy:
- Nguyên nhân gì?
Cán bộ huyện ủy tặc lưỡi cốt cho xong chuyện: