- Anh muốn nói tới những cái xe đạp của một nửa số gia đình thôn này
chứ gì? Anh muốn nói tới những đứa con của làng tới trường đại học và ra
cả nước ngoài nữa chứ gì? Rồi thì nhà nào đi ngủ cũng có màn, có chăn,
hầu như nhà nào cũng có phích đựng nước và bộ ấm xuyến pha trà. Nhìn
nhận như vậy mà bảo đời sống sung sướng lắm rồi thì chẳng khác nào bảo
trái đất đừng quay trong suốt gần một nửa thế kỷ qua. Lối so sánh như anh
tôi thấy khối ông tuyên huấn nói.
Hân nhăn nhó. May mắn được ngồi gần cô thư ký mà mới trước đây ít
ngày đã cùng mình bập bềnh trên bãi biển Đồ Sơn, anh ghé tai vào cô nói
nhỏ: "- Cha này gàn!". Anh không ngờ Loan quay lại, hai mắt cháy lên và
đôi má đỏ hồng nhưng giọng cô vẫn nhẹ như một lời thông báo: "- Bố em
đấy!".
Anh cán bộ huyện ủy rõ ràng chưa nghe ra còn cố hỏi lại:
- Hả?
Loan gằn từng tiếng:
- Bố em đấy mà.
Bà con ở dưới chỉ ngạc nhiên không hiểu sao mồm anh cán bộ huyện
ủy bỗng dưng lại hiện ra tròn xoe xoe nhẽ thường nhét vừa một cái chén
tống.
Người ta còn phát biểu rất nhiều rồi mới đến phần cuối cùng là bí thư
huyện ủy nói chuyện. Mặt trời đứng bóng. Không một ai thấy thời gian trôi
đi. Bí thư rõ ràng xúc động được nghe trực tiếp ý kiến của dân làng. Kẻ nào
bảo họ manh động là chưa đúng lắm. Kẻ nào khăng khăng bảo họ cục bộ là
không khách quan. Ở đây có hai chi bộ Đảng và hai đội sản xuất và đa số
các đảng viên cùng đứng với dân làng. Khẩu hiệu phải làm giàu bằng đôi
bàn tay lao động và trí sáng tạo của mình chẳng lẽ không phải là khẩu hiệu
của Đảng hay sao? Sự khẳng định nghèo là khốn nạn chẳng lẽ là quá khích