- Chẳng phải riêng anh lo ngã ngựa mà chính tôi cũng thế. Lãnh đạo
sản xuất có những khó khăn đôi khi tưởng như không vượt qua được.
Người nông dân bây giờ không phải như ngày anh ra đi, cũng không giống
vài năm về trước. Nhận thức của họ rất nhanh và nhậy. Người ta chỉ quanh
quẩn trên đồng làng nhưng biết rất rõ bên Liên Xô cho đấu thầu ruộng đất
năm mươi năm, hiểu tường tận tình hình làng xóm cùng với các tập đoàn
sản xuất ở đồng bằng sông Cửu Long. Chỉ thị 100 ra đời gây không khí
phấn chấn trên khắp các cánh đồng nhưng chỉ ít năm sau đã nhanh chóng
không còn thích hợp nữa. Người nông dân nhiều nơi đang quẩn quanh đối
phó với các đội thu hồi sản phẩm, có địa phương thực là quyết liệt và báo
chí đã nói đến nghị quyết 10 ra đời mà nông dân ta quen gọi là khoán 10.
Lại một luồng không khí mới tràn về. Chúng ta có quá nhiều chỉ thị và nghị
quyết. Riêng lĩnh vực này, theo tôi, hiểu thế cũng được, nhưng đúng đắn
hơn là phải nhìn nhận sự vận động của xã hội nông thôn Việt Nam rất mau
lẹ. Nhận thức của chính chúng ta nếu chai lỳ là sẽ chuyển biến không kịp.
Tôi lo nhất là mình lạc hậu hơn thực tại!
Tân giật mình. Chính anh cũng đang lo sợ mình chạy theo hiện thực
đang phát triển. Biết rằng nếu sa đà vào những vấn đề có tính lý luận như
thế này sẽ rất căng thẳng và làm lu mờ mục đích chuyến lên huyện của
mình, đại tá hỏi vào đúng nội dung cần đề cập tới:
- Anh đã về thăm làng Thị. Anh đã nghe bà con nói. Tôi thay mặt dân
làng báo cáo anh xem họ cấy trên cánh đồng Mè và đảm nhận các khoản
nộp nghĩa vụ có được không?
Câu hỏi ấy rơi đánh tõm. Cả hai cùng im lặng. Tân thấy ngay mình
đang thiếu cân nhắc và tự xấu hổ với mình. Không bao giờ nên hỏi đồng
chí bí thư huyện một khía cạnh nhỏ nhặt thuộc phạm vi của thôn và xã giải
quyết. Chỉ huy trưởng một sư đoàn lại quá quan tâm tới tình huống chiến
thuật cá nhân và quên đi tình huống chiến dịch hay ý đồ bao quát của cả
trận tấn công thì tốt nhất nên xuống làm trung đội trưởng.