thần - từ đâu mà ra không? – cô ấy hỏi – tất cả bắt đầu từ thời Trung cổ, khi
người nào cũng có quyền tìm kiếm một nơi nương náu trong các nhà thờ,
các thánh đường. Thế nào là quyền được cư trú thì bất kể một người văn
minh nào cũng hiểu! còn làm sao cha tôi, giám đốc của một nơi được gọi là
“nhà thương” lại có thể hành động như thế với con người được cơ chứ?
Paul Coelho rất muốn biết cặn kẽ hơn về mọi chuyện xảy ra, chính bởi vì
ông có lý do hết sức xác đáng – việc ông quan tâm đến câu chuyện của
Veronika cũng rất phải lẽ thôi.
Mà nguyên do là thế này: Chính bản thân ông đã từng bị đưa vào viện tâm
thần hay “nhà thương” như cái cách người ta vẫn thường gọi bệnh viện
dạng đó. Và chuyện này không chỉ xảy ra có một lần, mà tới những ba lần –
vào các năm 1965, 1966, 1967. Nơi giam giữ là một bệnh viện tư của bác sĩ
Eiras ở Rio de Janeiro.
Cho đến giờ, ông vẫn không rõ lý do thực sự về việc mình phải nhập viện:
có thể lối xử sự kỳ quắc của ông đã khiến cha mẹ ông lo sợ, rốt cuộc buộc
phải dùng đến cái cách cực chẳng đã này – lối xử sự mà theo họ, khi thì
quá rụt rè khép nép, khi thì quá buông thả phóng túng – và cũng có thể, mọi
sự thực ra là do cái ước muốn trở thành “nghệ sĩ tự do”, tức là sớm muộn gì
cũng trở thành một kẻ du thủ du thực và rồi chết bờ chết bụi đâu đó.
Đôi lúc nghĩ lại thời kỳ đáng buồn này trong cuộc đời mình, cái điều mà
phải nói thật là cũng không thường xuyên lắm – Paul Coelho càng thêm tin
chắc rằng, nếu có ai thực sự bị điên, thì đó chính là tay bác sĩ chẳng hề suy
xét gì, không chút lưỡng lự nào đã quyết định tống ông vào bệnh viện tâm
thần (mặt khác chuyện này cũng dễ hiểu: trong những trường hợp tương tự
thì nhà nào cũng thế thôi, để bảo vệ gia đình, người ta thích đổ lỗi cho
người ngoài hơn, cốt sao không làm tổn hại đến uy tín của cha mẹ, những
người mà, có lẽ, đã hành động theo những động cơ tốt đẹp nhất mà thậm
chí không biết để làm gì).