Võ Văn Trực
Vết sẹo và cái đầu hói
Chương XXIX
Đào cầm cuốn "Phú Thành hương ước" vào phòng Cù Văn Hòn. Hai người
ngồi đối diện dưới ngọn đèn vừa đủ tỏa ra một quầng sáng trên mặt bàn.
Hòn cầm cuốn sách, nhẹ tay dở từng trang giấy bản đã cũ kỹ, vàng ố.
Rồi gấp lại. Rồi mở ra… Thời gian đã đi qua trên những trang giấy này
hàng mấy trăm năm, vẫn giữ lại đây muôn vàn sợi giây ràng rịt tình người
với những quy ước chặt chẽ của "quốc gia làng xóm" trong cộng đồng dân
tộc rộng lớn. Mọi sinh hoạt, mọi phong tục tập quán, mọi quan hệ láng
giềng được kết tủa thành tinh chất hồn người bởi những dòng chữ mà bão
táp năm tháng không thể xóa nhòa được. Ngẫm lại ông cha ngày trước,
phải có một tình yêu mãnh liệt đối với thôn mạc và Tổ quốc mới viết được
những dòng chữ như thế… Điều khoản 24: người nào chặt một cây tre ở
Cồn Miễu đem về làm của riêng, bất kể dân thường hay chức sắc, đều phải
trồng bù cây tre khác và chịu phạt năm mươi roi. Điều 102: hai người làng
đi ra thiên hạ, một trong hai người bị thiên hạ hà hiếp vô cớ mà người kia
không bênh vực, bất kể dân thường hay chức sắc, đều phải chịu phạt bảy
mươi roi. Điều 123: kẻ nào bịa chuyện vu khống người khác, bất kể dân
thường hay chức sắc, tùy theo mức độ nặng nhẹ mà chịu phạt mười quan
tiền, hai mươi quan tiền, ba mươi quan tiền. Điều 131: kẻ nào đổ rác ra
đường làng, bất kể dân thường hay chức sắc, tùy theo mức độ nặng nhẹ mà
chịu phạt quét đường làng năm ngày liền hoặc bảy ngày liền hoặc mười
ngày liền… Cù Văn Hòn thở dài: mọi quy ước chặt chẽ của ông cha đã bị
phá vỡ rồi! Các bản hương ước trở thành giấy lộn và bị tiêu tán trong cái
bát nháo của một xã hội đang đập phá cái cũ mà chưa hình thành cái mới.
Thời gian gần đây, anh em trong Viện đi khảo sát điền dã và sưu tầm được
sáu bản hương ước: bốn bản được soạn từ đời Lê, hai bản được chỉnh đốn
và sao lại từ đời Thành Thái. Bản nào cũng không còn nguyên vẹn nữa,
giấy ố vàng, rách mép, nhiều trang chữ bị mờ. Đào nhận sửa sang lại.
Nguyên tắc của Viện là không được đem những cuốn sách độc bản ấy về