Nếu khách có ngạc nhiên, ông ấy sẽ lại bắt đầu kể chuyện. “Cách đây
sáu năm, một buổi tối mùa đông…”
Kỳ Phát hỏi:
- Từ khi xẩy ra tấn kịch già vừa kể, già có để ý thấy tâm tình ông châu
thay đổi chút gì không?
Ty Khuông ngẫm nghĩ một lát rồi nói:
- Ông có nhắc tôi mới nghĩ ra. Tự khi ấy ông châu tính cẩn thận thêm
lên, tối đến ông tự xem xét cửa ngõ kỹ lưỡng cẩn thận rồi mới đi ngủ.
Kỳ Phát gấp cuốn sổ tay bỏ túi, rồi bảo:
- Thôi cảm ơn già, tôi biết thế là đủ rồi. À, cứ theo phong tục miền núi,
nhà nào càng giầu thì càng có lắm chiêng đồng, sao ở nhà đây tôi để ý
không có lấy một chiếc?
- Ấy cách đây độ hai năm, tự nhiên một hôm ông châu cho khiêng bao
nhiêu chiêng đồng ở nhà đem đi bán hết không giữ lại một chiếc nào.
- Tại làm sao già có biết không?
Ty Khuông lắc đầu trả lời:
- Tôi đoán mãi cũng không ra, vì trong mấy hôm ấy không xẩy ra sự gì
cả. Chỉ có tối hôm trước, trời đã khuya có một người khách vào chơi. Trời
tối, tôi không trông rõ mặt, chỉ biết hắn khoác một chiếc áo lông cừu dài tới
gối, giống như những chiếc áo của bọn khách Vân Nam vẫn mặc.
Hắn vào buồng ông châu nói chuyện một lúc lâu. Khi đi, trông hắn có vẻ
tức giận lắm, lúc ra đến cổng, hắn còn ngoảnh lại nói xì xồ một tràng tiếng
Khách.
Kỳ Phát như để ý đến đoạn cuối này lắm.
Ty Khuông đã ra rồi mà hắn còn đi đi, lại lại ra dáng suy nghĩ lung lắm.
Tôi thoáng nghe thấy hắn lẩm bẩm: Ác giả ác báo, chiếc chiêng đồng,
thằng khách Vân Nam…
Tôi hỏi:
- Cái gì mà ác giả ác báo hử anh?
Kỳ Phát trợn mắt nhìn tôi gắt tướng: