Một cô gái Khách, vận chiếc áo cánh hoa in nhỏ, quần đen, đi guốc
nhanh nhẹn tới trước bàn chúng tôi:
- Các ông ăn gì?
Bạn tôi hỏi:
- Hôm nay có súp cua, cá không nhỉ?
- Thưa ông, “bui a bét” thì chỉ thứ bẩy, chủ nhật mới có… Hôm nay chỉ
có súp thịt bò, súp trứng và súp thập cẩm…
Tôi cố nghiêm sắc mặt không cười vì thấy cái món súp thập cẩm ấy của
hiệu này, quả thực cũng đã là một món ăn khá đặc biệt rồi!
Bạn tôi tỏ ra là một khách ăn quen ở nhà này:
- Súp thập cẩm là súp lòng gà, gan, mề gà chứ gì? Nhưng còn các món
ăn khác có gì không?
Giống hệt như trên sân khấu cải lương, khi có khách hỏi hàng có những
món gì, vai chủ quán gân cổ ca một bài “Khổng Minh tọa lầu” trong kể
vanh vách suốt từ món súp la-ghim đến món thịt bò bẩy vị, cô con gái
Khách cũng thuộc miệng kể một thôi dài:
- Có bí tết gà, bí tết lợn, bí tết bò, bí tết tôm… có gà, có cá sốt may-don-
Bạn tôi mỉm cười vì có lẽ là khách quen ở đây, anh đã thuộc lòng như cô
hầu bàn vẻn vẹn năm, sáu món thông thường ấy của nhà hàng, nhưng lần
nào vào hiệu, cũng hỏi như vậy để cô hầu bàn nhanh nhẹn, ngoan ngoãn ấy
kể lại cho vui…
Cô con gái bước ra chỗ gần quầy tiền, nhìn vào phía trong bếp mà gọi:
- Hai súp phô-mát, hai bí tết bò, nhiều hành tỏi nhé!
Phía trong bếp có người trả lời vọng lại nhưng bằng tiếng Tầu!
Bạn tôi mỉm cười, bảo:
- Anh đã thấy chưa? Đây quả thực đúng là một hiệu bán món ăn tây, theo
kiểu cao lâu Tầu. Và khách tất nhiên vào ăn cũng ăn theo kiểu hoàn toàn
Đông Dương, bất chấp mọi lề luật, nghĩa là có thể ăn bí tết đầu tiên và ăn
súp sau cùng, và khi ngồi ăn, cho cả hai chân lên ghế mà ngồi chồm chỗm