10 tuổi. Hồi trên 10 tuổi Hạnh đã ở nhà bác Tám để đi học. Bác đã từng
kèm cặp, dạy dỗ Hạnh học thêm và hai bác cháu rất ý hợp, tâm đồng. Cách
mạng tháng Tám thành công, Hạnh 19 tuổi rất hãnh diện được nhận chức
thư ký cho bác Tám. Bác lo về quân sự phụ trách Mặt trận Kinh Xáng đi
đâu cũng có khẩu súng sáu rất oai. Khi ấy Hạnh tự hào về ông bác của
mình.
Đầu năm 1946, khi Pháp đã tái chiếm Mỹ Tho, nhiều cán bộ ở đây trong đó
có bác Tám đã phải bỏ chạy sang Bến Tre. Khi ấy bác không kịp kéo Hạnh
đi theo nên Hạnh phải bơ vơ ở nhà với ông nội. Lúc bấy giờ, quân Pháp
thường đến ruồng bố ở Phú Phong nên Hạnh phải trốn lên Sài Gòn để tìm
việc làm. Chưa tìm được việc làm thì có một người bạn tới lôi kéo rủ vào
quân đội Pháp. Nhập ngũ xong, Hạnh được chuyển về cùng một đại đội với
Dương Văn Minh.
Thế là, từ đó hai bác cháu ở hai trận tuyến chống đối nhau. Ở hai trận tuyến
đó thấm thoát đến năm 1954 bác Tám đã là Huyện ủy viên. Còn Hạnh là
Thiếu tá trong quân đội liên hiệp Pháp. Suốt thời gian ấy hai bác cháu đã
không gặp nhau. Phải mãi 10 năm sau, tức năm 1956 bác Tám mới gặp lại
Hạnh. Nhưng gặp trong một hoàn cảnh thật trớ trêu mà riêng với bác Tám
đã từ quá đỗi ngại đến không khỏi nghi ngờ.
Chẳng là, dạo đó Trung tá Nguyễn Hữu Hạnh đang làm tham mưu trưởng
cho Đại tá Dương Văn Minh chỉ huy chiến dịch Thoại Ngọc Hầu truy quét
quân giáo phái Cao Đài đang chống đối lại Ngô Đình Diệm. Ở đây, Hạnh
hay tin bác Tám Thành bị quân của Diệm bắt đang bị giam trong xà lim tại
khám lớn Sài Gòn.
Mười năm rồi không gặp lại bác Tám và không biết bác bị bắt trong hoàn
cảnh nào. Còn lý do, Hạnh đoán biết chắc chắn vì bác đang hoạt động cách
mạng. “Thôi lý do gì mình chẳng cần biết nữa, vì đó là lý tưởng và đường
đi của bác. Nhưng vì tình bác cháu nhất là ân nghĩa trước đây, phải tìm
cách gỡ cho bác ra khỏi nhà tù”. Hạnh nghĩ vậy và viên Trung tá Tham
mưu trưởng chiến dịch này đã phải hạ cố tìm đến thằng “em út” cấp dưới
của mình là Đại úy Tiên đang giữ chức Trưởng phòng nhì ở Phân khu của
Hạnh: