đi thẳng tới Nha Công an. Quả là với uy tín của Bộ Tư lệnh chiến dịch do
Dương Văn Minh làm tư lệnh - người đã có công chỉ một tháng trong chiến
dịch Hoàng Diệu trước đây đã quét sạch được Bình Xuyên, công việc mà
suốt 8 năm Diệm không làm được, Tiên đã được viên giám đốc Nha Công
an đón tiếp trọng thị và chấp nhận ngay yêu cầu của Bộ Tư lệnh chiến dịch
Thoại Ngọc Hầu theo như tinh thần công văn mà Hạnh đã ký. Ngay tối
hôm đó viên Đại úy, Trưởng phòng tình báo của Hạnh đã đưa được bác
Tám về Cần Thơ. Nguyễn Hữu Hạnh thầm mừng rỡ và hỏi Tiên mang ý
thăm dò:
- Em nghĩ sao nếu qua đưa bác Tám về nhà riêng?
- Thưa, việc này tùy Trung tá, nhưng ngay bây giờ nếu muốn trả tự do cho
bác Tám, tôi sẽ có cách lập hồ sơ.
- Cảm phiền Đại úy tiếp tục giúp tôi việc này. Bây giờ tôi về nhà trước. 15
phút nữa, Đại úy đưa bác Tám tới nhà tôi.
- Xin tuân lệnh! Tiên lại rập hai gót giày rồi quay ra. Xe của Tiên vừa ra
khỏi cổng thì Hạnh cũng tự lái xe về nhà. Anh thông báo cho vợ con về sự
sẽ có mặt của bác Tám ở nhà mình, xong thay quần áo thường phục sẵn
sàng chờ.
Đúng thời gian quy định, Đại úy Tiên đã đưa bác Tám vào phòng khách ở
nhà Trung tá Hạnh, xong lẳng lặng quay lui để lại cho “người tù” này thêm
lần nữa sững sờ, ngạc nhiên.
Quả là đã “vô tư” như ông Tám, nhưng từ sáng tới giờ ông đã hết từ ngạc
nhiên này tới ngạc nhiên khác. Ông không biết vì lý do gì mà ông đang
phải giam trong xà lim cấm cố bỗng nhiên bọn Công an lại lôi ông ra giao
cho tình báo quân đội. Rồi vào trại giam quân đội vừa ngồi chưa ấm chỗ,
chúng lại đưa ông tới phòng khách sang trọng này. Ông đặt ra nhiều giả
thuyết mà chưa tìm ra lời lý giải xác đáng, chỉ còn biết tự nhủ mình: “Hãy
giữ vững khí tiết, dù chúng tra khảo dã man hay mua chuộc, dụ dỗ...”.
- Con xin chào bác!
Ông Tám sững người thấy Hạnh từ trong nhà bước ra và liền nghĩ ngay:
“Đây là chuyện đóng kịch, phải cảnh giác!”.
- A, thì ra đây là tư dinh của anh - ngài Trung tá Nguyễn Hữu Hạnh!