dọa quyền lực chính trị của họ. Một cách khác, có thể xảy ra tình huống
lịch sử trong đó một chế độ chính trị chiếm đoạt thừa kế những thể chế kinh
tế tương đối dung hợp, mà họ quyết định không ngăn chặn. Bối cảnh này sẽ
mở ra con đường thứ hai trong đó tăng trưởng có thể xảy ra trong các thể
chế chính trị chiếm đoạt.
Công nghiệp hóa nhanh chóng của Nam Triều Tiên dưới thời tướng
Park là một ví dụ. Park lên cầm quyền thông qua một vụ đảo chính quân sự
vào năm 1961, nhưng ông làm điều đó trong một xã hội được Hoa Kỳ ủng
hộ mạnh mẽ và với một nền kinh tế có các thể chế kinh tế thực chất là dung
hợp. Cho dù chế độ của Park có tính độc đoán, họ vẫn cảm thấy đủ đảm
bảo để đẩy mạnh tăng trưởng, và trên thực tế họ đã làm điều đó hết sức chủ
động - có lẽ một phần là do chế độ không trực tiếp được nâng đỡ bởi các
thể chế kinh tế chiếm đoạt. Khác với Liên Xô và hầu hết các trường hợp
tăng trưởng trong thể chế chiếm đoạt khác, Nam Triều Tiên chuyển đổi từ
các thể chế chính trị chiếm đoạt sang các thể chế chính trị dung hợp vào
thập niên 1980. Sự chuyển đổi thành công này là do sự hội tụ của nhiều yếu
tố.
Cho đến thập niên 1970, các thể chế kinh tế ở Nam Triều Tiên đã trở
nên đủ dung hợp để có thể làm giảm một trong những lý do cơ bản của các
thể chế chính trị chiếm đoạt - giới quyền thế kinh tế không được lợi gì từ sự
chi phối chính trị riêng của họ hay của quân đội. Sự công bằng tương đối
về thu nhập ở Nam Triều Tiên cũng có nghĩa là giới quyền thế không có gì
để lo sợ từ tính đa nguyên và dân chủ. Ảnh hưởng then chốt của Hoa Kỳ,
nhất là ứng với mối đe dọa từ Bắc Triều Tiên, cũng có nghĩa là người ta
không thể đàn áp phong trào dân chủ mạnh mẽ đang thách thức chế độ độc
tài mãi được. Cho dù vụ ám sát tướng Park năm 1979 được tiếp nối bằng
một vụ đảo chính quân sự khác dưới sự lãnh đạo của Chun Do-hwan,
nhưng người kế nhiệm được chọn của Chun, Roh Tae-woo, đã phát động
một quá trình cải cách chính trị dẫn đến sự củng cố nền dân chủ đa nguyên
sau năm 1992. Lẽ dĩ nhiên, kiểu chuyển đổi này không diễn ra ở Liên Xô.