làm như thế sẽ tạo ra sự chống đối và thách thức chính trị giống như việc
thúc đẩy tăng trưởng kinh tế có thể tạo ra. Hơn nữa, cũng giống như phần
lớn hạ Sahara châu Phi còn lại, tình trạng đấu đá nội bộ được châm ngòi
bởi các nhóm kình địch ra sức tranh giành quyền kiểm soát các thể chế
chiếm đoạt đã tàn phá sự tập trung chính trị nhà nước mà lẽ ra đã có thể tồn
tại.
Lịch sử của Vương quốc Kongo, và lịch sử gần đây hơn của đất nước
Congo minh họa sống động cho cách thức các thể chế chính trị quyết định
các thể chế kinh tế và qua đó cũng quyết định các động cơ kinh tế và phạm
vi của tăng trưởng kinh tế như thế nào. Lịch sử Congo cũng minh họa mối
quan hệ cộng sinh giữa chế độ chuyên chế chính trị và các thể chế kinh tế
trao quyền và làm giàu cho một số ít người bằng tổn thất của đa số.
TĂNG TRƯỞNG TRONG CÁC THỂ CHẾ
CHÍNH TRỊ CHIẾM ĐOẠT
Congo ngày nay là một ví dụ cực đoan, với tình trạng vô luật pháp và
các quyền sở hữu cực kỳ không bảo đảm. Tuy nhiên, trong hầu hết các
trường hợp, chủ nghĩa cực đoan không phục vụ cho quyền lợi của giới
quyền thế, vì nó sẽ phá hủy toàn bộ các động cơ kinh tế và gần như không
còn tạo ra nguồn lực để chiếm đoạt. Chủ đề trọng tâm của quyển sách này
là: tăng trưởng kinh tế và thịnh vượng đi kèm với các thể chế kinh tế và
chính trị dung hợp, trong khi các thể chế chiếm đoạt thường dẫn đến đình
trệ và đói nghèo. Nhưng điều này không có nghĩa là các thể chế chiếm đoạt
không bao giờ tạo ra tăng trưởng, mà cũng không có nghĩa là mọi thể chế
chiếm đoạt được tạo ra đều như nhau.
Có hai phương thức khác nhau nhưng bổ trợ lẫn nhau, qua đó tăng
trưởng vẫn có thể xảy ra trong các thể chế chính trị chiếm đoạt. Thứ nhất,
ngay cả nếu các thể chế kinh tế có tính chất chiếm đoạt, tăng trưởng vẫn có
thể xảy ra khi giới quyền thế có thể trực tiếp phân bổ nguồn lực vào những