LỜI NÓI ĐẦU
QUYỂN SÁCH NÀY đề cập đến sự khác biệt to lớn về thu nhập và
mức sống giữa những nước giàu trên thế giới như Hoa Kỳ, Anh và Đức,
với những nước nghèo như vùng hạ Sahara ở châu Phi, Trung Mỹ và Nam
Á.
Khi chúng tôi viết những dòng này, Bắc Phi và Trung Đông đang rung
động bởi phong trào cách mạng nhân dân Ảrập (“Mùa xuân Ảrập”) khởi
nguồn từ cuộc Cách mạng Hoa Nhài mà thoạt đầu được châm ngòi bởi cơn
phẫn nộ của quần chúng trước việc tự thiêu của người bán hàng rong
Mohamed Bouazizi vào ngày 17/12/2010. Ngày 14/1/2011, tổng thống Zine
El Abidine Ben Ali, người từng cai trị đất nước Tunisia suốt từ năm 1987,
đã bị phế truất, nhưng nhiệt huyết cách mạng chống lại ách thống trị của
các nhóm quyền thế đặc ân ở Tunisia vẫn không nguội đi mà ngày càng sôi
sục và lây lan sang phần còn lại của Trung Đông. Hosni Mubarak, nguyên
tổng thống từng cai trị Ai Cập với bàn tay thép gần 30 năm, bị trục xuất vào
ngày 11/12/2011. Vận mệnh của chế độ ở Bahrain, Libya, Syria và Yemen
vẫn chưa ngã ngũ khi chúng tôi viết xong phần mở đầu này.
Cội rễ của bất mãn ở những nước này nằm ở cảnh đói nghèo của họ.
Mức thu nhập bình quân của người Ai Cập xấp xỉ 12% so với người Mỹ,
còn tuổi thọ thì kém hơn 10 năm; 20% dân số Ai Cập sống trong cảnh bần
cùng. Cho dù những sự khác biệt này rất đáng kể, nhưng chúng vẫn chẳng
đáng là bao so với chênh lệch giữa Hoa Kỳ và những nước nghèo nhất thế
giới như Bắc Triều Tiên, Sierra Leone và Zimbabwe, những nơi có hơn một
nửa dân số sống trong đói nghèo.
Tại sao Ai Cập lại nghèo đến thế so với Mỹ? Những yếu tố ràng buộc
nào khiến người Ai Cập không thể trở nên thịnh vượng hơn? Phải chăng
đói nghèo của Ai Cập là không thể cứu vãn, hay hoàn toàn có thể xóa bỏ