được? Cách thức tự nhiên để bắt đầu suy nghĩ về điều này là thử nghe
những điều mà chính bản thân người dân Ai Cập nói về những vấn nạn mà
họ đang phải đương đầu và tại sao họ lại vùng lên chống lại chế độ
Mubarak. Noha Hamed, một người lao động 24 tuổi đang làm việc cho một
công ty quảng cáo ở Cairo, trình bày rõ ràng quan điểm của cô khi tham gia
biểu tình ở quảng trường Tahrir: “Chúng tôi khốn khổ vì tham nhũng, áp
bức và nền giáo dục yếu kém. Chúng tôi sống trong một hệ thống tham
nhũng buộc phải thay đổi”. Một người khác trên quảng trường, Mosaab El,
sinh viên khoa dược 21 tuổi, bày tỏ sự đồng tình: “Tôi hy vọng rằng đến
cuối năm chúng tôi sẽ có một chính phủ được bầu, nền tự do phổ cập sẽ
được áp dụng và chấm dứt nạn tham nhũng từng chiếm lĩnh đất nước này”.
Những người phản kháng trên quảng trường Tahrir đồng thanh nói về tham
nhũng của chính phủ, việc chính phủ không thể cung cấp các dịch vụ công,
và cách biệt giàu nghèo về cơ hội trên đất nước họ. Họ đặc biệt than phiền
về sự áp bức và tình trạng thiếu vắng các quyền chính trị. Như Mohamed
ElBaradei, nguyên giám đốc Cơ quan Năng lượng nguyên tử quốc tế viết
trên mạng Twitter ngày 13/1/2011: “Tunisia: áp bức + thiếu công lý xã hội
+ bác bỏ các kênh thay đổi trong hòa bình = một quả bom hẹn giờ”. Người
Ai Cập và người Tunisia đều cho rằng các vấn nạn kinh tế của họ có
nguyên nhân cơ bản là do không có các quyền chính trị. Khi những người
phản kháng bắt đầu trình bày những đòi hỏi của họ một cách hệ thống hơn,
12 nhu cầu đầu tiên tức thời được đưa ra bởi Wael Khalil, vị kỹ sư phần
mềm và người viết blog này đã nổi lên như một trong những nhà lãnh đạo
phong trào cách mạng Ai Cập, tất cả đều tập trung vào sự thay đổi chính trị.
Những vấn đề như tăng tiền lương tối thiểu xem ra chỉ nằm trong số những
nhu cầu chuyển đổi có thể được thực hiện về sau.
Đối với người Ai Cập, những yếu tố kềm hãm họ bao gồm một nhà
nước tham nhũng và bất lực, và một xã hội trong đó họ không thể sử dụng
tài năng, hoài bão, sự khéo léo và những gì họ đã học được. Nhưng họ cũng
nhận ra rằng gốc rễ của những vấn đề này là chính trị. Tất cả những chướng
ngại kinh tế mà họ phải đối mặt đều bắt nguồn từ cách thức thế lực chính trị