trong cùng phiên họp khi ông được trao vương miện. Trên nhiều phương
diện, bản Tuyên ngôn, được gọi là Luật về Quyền sau khi được ký kết
thành luật, có tính chất mơ hồ. Tuy nhiên, điều quan trọng là nó thiết lập
các nguyên tắc hiến pháp trọng tâm. Nó xác định việc kế vị ngai vàng, và
làm điều đó theo một cách thức khác hẳn so với các nguyên tắc cha truyền
con nối lúc bấy giờ. Nếu Quốc hội đã một lần truất phế một vị vua và đưa
lên ngôi một người họ thích, thì hà cớ gì họ không thể làm như thế một lần
nữa? Tuyên ngôn về Quyền cũng khẳng định rằng nhà vua không thể đình
chỉ hay bỏ qua luật pháp, và nhắc lại tính bất hợp pháp của việc thu thuế
khi không có sự chấp thuận của Quốc hội. Ngoài ra, Tuyên ngôn còn nêu rõ
rằng không thể có quân đội thường trực ở Anh nếu không có sự đồng thuận
của Quốc hội. Tính mơ hồ thể hiện trong những điều khoản như điều 8 quy
định rằng: “Việc bầu cử đại biểu Quốc hội phải tự do”, nhưng không nêu rõ
“tự do” sẽ được xác định như thế nào. Thậm chí còn mơ hồ hơn là điều 13,
quy định rằng Quốc hội phải được tổ chức thường xuyên. Bởi lẽ, vấn đề
Quốc hội có được tổ chức hay không và tổ chức vào lúc nào từng là một
vấn đề gây nhiều tranh cãi đến thế trong suốt một thế kỷ, nên người ta hẳn
phải kỳ vọng một sự cụ thể hơn nhiều trong điều khoản này. Tuy nhiên, lý
do của lời lẽ mơ hồ này thật rõ ràng. Các điều khoản phải được thực thi.
Dưới triều đại Charles II, một “bộ luật tam niên” đã được ban hành, khẳng
định rằng Quốc hội phải được triệu tập ít nhất một lần trong ba năm. Nhưng
Charles đã bất chấp luật này, và không có chuyện gì xảy ra, vì không có
phương pháp cưỡng chế thi hành luật. Sau năm 1688, Quốc hội lẽ ra cũng
có thể cố gắng thực hiện một phương pháp cưỡng chế thi hành điều khoản
này, như giới quý tộc đã làm thông qua hội đồng quý tộc sau khi vua John
ký Đại hiến chương Magna Carta. Nhưng họ không cần làm thế vì thẩm
quyền và quyền ra quyết định đã được chuyển sang Quốc hội từ sau năm
1688. Ngay cả khi không có luật lệ hay quy tắc hiến pháp, William cũng đã
đơn thuần từ bỏ những thông lệ hoạt động của các vị vua trước đây. Ông
ngừng can thiệp vào các quyết định luật pháp và từ bỏ các “quyền” trước
kia, như quyền thụ hưởng nguồn thu hải quan trọn đời. Tập hợp lại, những
thay đổi về thể chế chính trị này tiêu biểu cho chiến thắng của Quốc hội đối