CÂU CHUYỆN VỀ HAI BẢN HIẾN PHÁP
Giờ thì rõ ràng là chẳng phải ngẫu nhiên khi Hoa Kỳ, chứ không phải
Mexico, ban hành và thực thi một hiến pháp tuân theo các nguyên tắc dân
chủ, phân định giới hạn cho việc sử dụng quyền lực chính trị, và phân phối
quyền lực đó rộng rãi trong xã hội. Văn kiện mà các đại biểu soạn thảo ở
Philadelphia vào tháng 5/1787 là kết quả của một quá trình lâu dài được
khởi động bằng sự ra đời của cơ quan lập pháp ở Jamestown năm 1619.
Sự tương phản giữa quá trình lập hiến diễn ra vào thời điểm độc lập
của Hoa Kỳ và quá trình diễn ra sau đó một chút ở Mexico thật là sâu sắc.
Vào tháng 2/1808, quân đội Pháp của Napoleon Bonaparte xâm lược Tây
Ban Nha. Đến tháng 5, họ chiếm Madrid, thủ đô Tây Ban Nha. Đến tháng
9, vua Tây Ban Nha Ferdinand bị bắt và buộc phải thoái vị. Hội đồng hành
chính quốc gia, được gọi là Hội đồng Trung ương, thay ông cầm quyền
trong cuộc chiến chống Pháp. Hội đồng nhóm họp lần đầu ở Aranjuez,
nhưng lui về miền nam khi đối đầu với quân Pháp. Cuối cùng, họ đến cảng
Cádiz, dù bị bao vây bởi lực lượng Napoleon nhưng vẫn trụ vững. Ở đây,
Hội đồng thành lập một quốc hội, gọi là Cortes. Năm 1812, Cortes soạn
thảo cái mà sau này trở thành Hiến pháp Cádiz, kêu gọi thành lập một nền
quân chủ lập hiến dựa trên quan niệm chính quyền là cơ quan quyền lực thể
hiện ý chí của nhân dân. Hiến pháp cũng kêu gọi chấm dứt các đặc quyền
đặc lợi và thực hiện sự bình đẳng trước pháp luật. Các yêu cầu này bị giới
quyền thế Nam Mỹ ghét cay ghét đắng trong khi họ vẫn còn đang cầm
quyền trong một môi trường thể chế định hình bởi hệ thống cai trị
encomienda, lao động cưỡng bức và quyền lực tuyệt đối dành cho họ và
nhà nước thuộc địa.
Sự sụp đổ nhà nước Tây Ban Nha với sự xâm lăng của Napoleon tạo
ra một cuộc khủng hoảng hiến pháp xuyên suốt châu Mỹ La-tinh thuộc địa.
Người ta tranh cãi về việc liệu có công nhận thẩm quyền của Hội đồng
Trung ương hay không, và đáp lại, nhiều người châu Mỹ La-tinh bắt đầu