Khi còn nhỏ, tôi không mảy may nghĩ rằng mình sẽ làm những việc như đang làm ngày hôm
nay. Cha tôi là một nhà khoa học thành công nhưng bất hạnh vì cuộc sống luôn bị quấy rầy. Cha
tôi dạy trường y và nhiều viện hàn lâm khác nên tôi có cơ hội tiếp xúc với rất nhiều người
thành đạt. Có người rất dễ mến, có người rất đáng thương nhưng cũng có người rất bạo tàn.
Tôi bắt đầu nhận ra rằng sự thông minh, lỗi lạc, và danh tiếng khắp thế giới có khi cũng không
mang lại hạnh phúc. Hạnh phúc thật sự của con người chỉ đến từ sự hài lòng về sự tồn tại của
chính họ trên thế gian này, chứ không phải từ những thành công xuất sắc về thương mại hay
những giải thưởng hàn lâm danh giá. Tôi bỗng quan tâm đến điều đó khi chỉ mới là một cậu bé
mười mấy tuổi.
Cha tôi là một người đáng sợ, hay giận dữ, rất độc đoán và khó khăn. Mỗi khi ông về đến nhà
thì bốn anh em tôi nín bặt, chờ đợi xem tâm trạng ông thế nào ngày hôm đó. Mẹ tôi thì lại rất
hướng ngoại, sống rất lạc quan và dễ chịu. Bạn bè tôi ai cũng yêu quý bà và hay đến tâm sự với
bà đủ mọi chuyện trên đời. Tuy nhiên khi cha tôi có mặt thì họ lặn mất tăm!
Anh em chúng tôi đã thử mọi cách để làm vừa lòng ông nhưng vô ích. Tôi trở thành người kiến
tạo hòa bình duy nhất trong nhà. Ngày nay tôi vẫn phải làm công việc ấy. Một người anh của
tôi chắc sẽ phản kháng lại cha tôi nếu anh trở lại thời đó. Một anh khác thì sa sút tinh thần, bởi
không thể chịu đựng nổi cha tôi. Còn người thứ ba thì trở nên hài hước và hay ví von. Còn tôi,
khỏi phải nói tôi mừng đến mức nào khi được bước ra khỏi nhà để vào đại học.
Tôi rất thích khoa học vì cha tôi là một nhà vật lý sinh học, một trong những người đầu tiên
sáng chế ra loại thuốc con nhộng, máy giúp thở và tim nhân tạo. Nhưng chỉ đơn giản là thích
thế thôi, chúng tôi không ước mơ trở thành khoa học gia này nọ mà chỉ cố học cho thật giỏi.
Tôi vào lớp dự bị y khoa của Đại học Dartmouth. Với tôi, làm bác sĩ cũng tốt. Học kỳ đầu tiên
tôi theo học môn hóa hữu cơ và vài môn khoa học khác. Sau đó tôi ghi danh vào lớp Châu Á
Học với một vị giáo sư thỉnh giảng từ Harvard, Tiến sĩ Wing Tsit Chan. Tôi ngưỡng mộ vốn
kiến thức uyên thâm của ông về nền văn hóa Trung Quốc, về Đạo Khổng và hệ thống khoa cử
của chế độ phong kiến Trung Quốc ngày xưa. Sau cuộc khởi nghĩa Nghĩa Hòa Đoàn 1900 - 1901
(cuộc nổi dậy của các võ sĩ Trung Quốc), ông cũng nghiên cứu thêm về nền văn hóa hiện đại
của Trung Quốc. Một hôm, ông giảng cho chúng tôi nghe về Lão Tử và Phật giáo. Tôi như được
mở mắt và bừng tỉnh. Sau một thời gian ngắn, tôi chuyển hẳn sang học ngành này. Tôi bắt đầu
đọc quyển Tây Tạng Kinh về Sự Chết và bất cứ sách nào nói về phái Thiền Tông (Zen). Đó là
vào những năm 1960 và trên thế giới xuất hiện nhiều trào lưu tư tưởng mới nên có lẽ tôi cũng
bị tác động chăng?