84 rúp chia cho 15 nhưng tôi chia cách nào thì cũng còn dư. Tôi hiểu là
mình đã làm sai ở đâu đó, nên quay ra tìm cách khác. Tôi đem cộng 12 cái
rìu với 5 cái cưa, được 17, rồi lấy 100 chia cho 17, nhưng vẫn dư. Tôi quyết
định cộng tất cả số rìu lại với nhau, thêm vào con số đó 8 cái cưa nữa, rồi
cộng chung số tiền lại và chia cho tổng số cả rìu lẫn cưa, nhưng vẫn không
chia hết. Rồi tôi lấy riêng số rìu, chia tổng tiền cho số rìu vẫn không xong.
Rồi tôi thử lại cộng rìu vào với nhau, còn cưa để riêng, lấy số tiền chia cho
con số rìu... Tôi làm thử đủ mọi cách, nhưng chẳng ra làm sao cả, nên đành
phải cầm vở đến nhà Vania Pakhomov.
- Cậu xem này, Vania, - tôi nói – 12 cái rìu và 3 cái cưa giá 84 rúp, 12
cái rìu và 5 cái cưa giá 100 rúp. Vậy giá một cái rìu và một cái cưa là bao
nhiêu? Theo cậu bài toán này phải giải như thế nào?
- Thế cậu nghĩ thế nào? – nó hỏi.
- Tớ nghĩ phải cộng 12 cưa với 3 rìu, được 15 rồi lấy 84 chia cho 15.
- Khoan đã, nhưng tại sao cậu lại cộng số cưa với số rìu
- Thì tớ muốn biết tất cả là bao nhiêu, rồi lấy 84 chia cho tất cả số đó
để ra giá của một cái.
- Cái gì? Cái rìu hay cái cưa?
- Thì cưa, - tôi nói, - hoặc là rìu
- Thế theo cậu thì hoá ra giá rìu và giá cưa là bằng nhau à?
- Thế chẳng lẽ không bằng nhau à?
- Tất nhiên là không bằng nhau. Bởi vì đầu bài có nói là giá của chúng
bằng nhau đâu. Câu hỏi là giá một chiếc rìu là bao nhiêu, một chiếc cưa là
bao nhiêu, riêng cơ mà. Có nghĩa là không cộng chung hai con số đó được.