163
Tủ sách Nuôi con – http://sachx.com
Thời kỳ tiềm ẩn (ủ bệnh) từ 1 đến 7 ngày, bệnh thường xuất hiện ở vùng cổ
họng. Bé nóng 38° - 39°C, vài ngày sau xuất hiện một màng giả (trắng, xám, bóng,
dính chặt trên hai hạch hầu – amiđan). Không chữa ngay bệnh trở nặng, xanh xao,
mệt, tim đập nhanh, màng giả lan tràn xuống thanh quản làm nghẹt thở thình lình và
rất dễ chết (như trường hợp mô tả trên). Trong bệnh bạch hầu ác tính, có nhiều
hạch cổ nổi lên giống như bị sưng má ông địa, chảy máu mũi, máu miệng, xanh mét,
đau bụng, ói ỉa, hơi thở hôi, khó nuốt. Bạch hầu ác tính thường không thể chữa
được!
Trường hợp bạch hầu có màng giả bít nghẹt thanh quản hiếm gặp ở các nước
tiên tiến, nhưng vẫn còn là một mối nguy hiểm cho trẻ con xứ ta. Bé đột nhiên khó
thở, giọng khàn, tắt tiếng, lúc hít vô kêu khò khè, tím da, gân cổ nổi lớn, có khi ngộp
thở, hôn mê. Trong trường hợp này trẻ cần phải được cấp cứu tại một bệnh viện
mới có hy vọng sống. Như đã nói, độc tố của vi trùng tràn lan khắp cơ thể nên có
thể gây nhiều biến chứng như viêm cơ tim, sưng phổi, liệt đóc họng (lưỡi gà), liệt tay
chân, liệt mắt...
Điều trị:
Bệnh nguy hiểm như vậy, việc điều trị cũng khó khăn không kém. Ngoài thuốc
kháng sinh còn cần phải có huyết thanh chống độc tố của vi trùng bạch hầu và quan
trọng nhất vẫn là sự săn sóc theo dõi bệnh trong suốt thời gian chữa trị và thời gian
dưỡng bệnh sau khi lành.
Những điều kiện đó đòi hỏi bé phải được chữa trị tại một bệnh viện lớn, đủ
phương tiên, không thể chữa khơi khơi được, và nhất là không thể mất thì giờ vì
chạy thầy chạy thuốc không đúng chỗ. Thổi thuốc, xông thuốc đều vô ích trong
trường hợp bạch hầu. Số lượng huyết thanh cho phải càng sớm càng tốt, và phải
cho với một số lượng đầy đủ bởi vì chỉ lượng huyết thanh đầu tiên là có giá trị mà
thôi.
Nếu bé được mở khí quản thì sự săn sóc tốt trong suốt thời gian còn đặt ống là
điều quan trọng. Lơ đễnh một chút mà để ống nghẹt là bé có thể chết dù thuốc men
tốt đến thế nào! Sau khi lành bệnh được xuất viện, bé vẫn phải tiếp tục nghỉ ngơi – ít
vận động – trong thời gian một tháng rồi mới từ từ hoạt động lại và được bác sĩ theo
dõi để tìm biến chứng nếu có. Phải làm lại 2 lần cấy vi trùng cổ họng không có bạch
hầu mới coi là khỏi bệnh. Chính trong thời kỳ dưỡng bệnh, bé có thể lây bệnh cho
bé khác.