4
Viết thêm
M
ới đó mà đã hơn 30 năm! Thời gian trôi nhanh thật. Những chú nhóc ngày
nào được các bà mẹ, ông bố trẻ lo âu thắc thỏm bế đến tôi thì nay đã lại thấy ẵm
những chú nhóc khác – là con của chú – đến nữa rồi... Vẫn những lo âu đó. Vẫn
những băn khoăn thắc mắc đó. Dù khoa học kỹ thuật, dù y học đã thay đổi, tiến bộ
không ngừng mà tấm lòng người làm cha, làm mẹ thời nào cũng vậy, chẳng mấy
chút đổi thay. Còn các bà mẹ, ông bố lúng túng lọng cọng ngày nào bây giờ đã là
những ông bà nội ngoại, mà vẫn cứ còn lọng cọng lúng túng như xưa, dù tóc đã bạc
màu với tháng năm, vẫn tất tả lo toan thay ba mẹ bé bận bịu trăm công ngàn việc.
Nhiều bà nội bà ngoại kêu ca vất vả mà trong ánh mắt như tràn ngập niềm vui bởi
được nựng nịu, bồng bế, chăm sóc bé, đôi khi còn không tin tưởng lớp trẻ, bảo
chúng nó chẳng biết gì, chỉ biết... đẻ thôi! Thời đại chúng ta bây giờ mọi việc trở nên
không đơn giãn, hình như còn lắm nỗi khó khăn hơn cho bà mẹ trẻ. Truyền thông
tiếp thị đi vào mọi ngõ ngách, vào giấc ngủ, bữa ăn, gây bao nỗi hoang mang. Con
người như ngày càng xa rời thiên nhiên, ngày càng bị cuốn hút vào dòng xoáy của
những lệ thuộc, của những nhu cầu giả tạo. Nhiều ông bố bà mẹ bây giờ mặc sức
tranh cãi và thậm chí đem đủ thức sách trích dẫn Tây, Tàu để giành phần thắng mà
cuối cùng chỉ tội nghiệp đứa trẻ bơ vơ hơn bao giờ hết! Mọi thứ cứ như máy móc
hóa, kế hoặc hóa. Bố mẹ thì bận bịu làm ăn, đầu tắt mặt tối, khoán trắng cho người
khác nuôi con mình. Tôi có dịp gặp những bà mẹ cân đong, đo đếm đến từng gram
bột đường, từng gram trái cây, mà bé cứ ngày càng còm cõi, bơ phờ; tôi có dịp gặp
những bà mẹ có hẳn một thực đơn phong phú tính từng calori, với hằng chục thức
ăn thay đổi liên tục trong tuần mà trẻ cứ còi cọc, không phát triển! Trẻ không biết nói,
không biết kêu ca, bị ép ăn như một cái máy, ép nghe nhạc cổ điển Tây phương...
Nếu trẻ kêu lên được, tôi nghĩ có lẽ chỉ kêu một tiếng: Mẹ ơi, con cần mẹ, con cần
mùi mồ hôi của mẹ, cần tiếng ru của mẹ, cần vòng tay của cha, bờ vai của cha. Điều
thú vị là trong khi đó, tại các nước phát triển lại có phong trào “về nguồn”, sinh đẻ tự
nhiên, nuôi con phù hợp với từng đứa trẻ, cho bú sữa mẹ lâu dài, cho trẻ gần gũi với
thiên nhiên...
Tôi chân thành cảm ơn Nhà Xuất bản Tổng hợp thành phố Hồ Chí Minh đã cho
tái bản cuốn sách này – được cập nhật và bổ sung đầy đủ – nhân dịp tôi chính thức
về hưu như một món quà nhỏ gởi đến các ông bố, bà mẹ trẻ mới sinh con đầu lòng.
Cuốn sách là những lời tâm tình, chia sẻ của một người vừa là thầy thuốc, vừa là
người cha những năm xưa, nay đã trở thành ông nội, ông ngoại của mấy nhóc nhỏ
rồi! Thời gian trôi nhanh thật!
TP. Hồ Chí Minh,
BS. Đỗ Hồng Ngọc