Cũng giống như Jeanne Wakatski, gia đình mình cũng bị tước đoạt mọi
thứ và cũng bị đẩy vào trại lính. Dù trại lính của gia đình mình và trại lính
của tác giả Jeanne hoàn toàn khác nhau, nhưng chúng vẫn có rất nhiều điểm
chung. Chẳng hạn như, Jeanne đã sống trong một căn buồng nhỏ ở giữa sa
mạc, còn mình sống trong một túp lều lợp bằng rơm, rạ và lá thông. Ngoài
điều kiện sống thực sự rất tồi tàn, sức khỏe mới là vấn đề lớn nhất. Bọn
mình đều đau ốm vì thức ăn. Jeanne đã miêu tả mọi người trong trại lính
của bà đã phải “chạy trốn khỏi Manzanar ” như thế nào. Không như mình,
bà không phải lo lắng liệu có ngày nào bà sẽ bị bỏ đói không. Dù thức ăn
không được ngon lắm, nhưng ít nhất họ cũng có cái ăn. Đáng buồn là gia
đình mình lúc nào cũng phải lo lắng không biết liệu có thể sống sót được
không khi lúc nào cũng thiếu thức ăn. Gia đình mình thường xuyên phải
hứng chịu cảnh không có gì bỏ vào miệng và phải tìm kiếm thức ăn.
Trong cả trường hợp của mình và tác giả Jeanne, chiến tranh đã chia
cách bố khỏi gia đình. Trại lính đã cướp mất nhân phẩm của bố và người bố
thân thương, đáng kính của mình đột nhiên trở thành người dễ nổi xung với
những điều tưởng chừng nhỏ nhặt nhất. Cả hai ông bố đều bị chia cách với
gia đình và khi trở lại, họ đã thay đổi cả về sinh lý, tình cảm và tinh thần.
Họ trở thành người hay ngược đãi người khác và chẳng buồn quan tâm xem
họ có làm tổn thương gia đình mình hay không.
Chiến tranh đã để lại quá nhiều hệ lụy cho bọn mình. Nó khiến tâm hồn
mình bị tổn thương và suýt cướp mất mạng sống của mình. Đó là kết quả tất
yếu của định kiến và chiến tranh: chỉ tạo nên kẻ thù. Nhưng giống như
Mas đã nói: “Lúc đó mình mới có 10 tuổi. Làm sao mình có thể là kẻ thù
của ai đó được?”
Nhật ký 21