Nhật ký thân yêu,
Mình vẫn còn đang “thẩm thấu” những con số và thông tin của buổi hội
thảo về tính đa dạng. Tất cả khách mời tham gia hội thảo đều có xuất thân
khác nhau, nhưng người nào cũng phải đối mặt với nạn phân biệt chủng tộc
chỉ vì chủng tộc, tầng lớp, tôn giáo và giới tính của họ. Bất chấp lai lịch hay
quá khứ của mình, tất cả bọn họ đều trở thành những người rất thành đạt.
Danny Haro - một người gốc Latin đến từ phía đông Los Angeles đã
vượt qua nghịch cảnh để trở thành luật sư. Hiện tại ông là một trong những
người bạn tốt nhất của Edward James Olmos - và là một nhân vật trong bộ
phim tài liệu mà bọn mình đã được xem - bộ phim Sống trong nghịch cảnh
(Lives in hazard). Lisa Ramirez là một trong những phụ nữ gốc Latin đầu
tiên giành được giải thưởng Emmy dành cho đạo diễn và nhà sản xuất
truyền hình xuất sắc nhất. Cả bà và Danny đều xuất thân từ những tầng lớp
bần cùng của xã hội và đều là người đầu tiên trong gia đình học tới đại học
và thực hiện được ước mơ của mình. Bob Gentry thường bị trêu chọc vì ông
là một người đồng tính, nhưng cuối cùng ông đã trở thành một trong những
tỉnh trưởng đồng tính đầu tiên ở California và là hiệu trưởng trường đại học
mà cô Gruwell đã học. Mas Okui - người đã bị bắt thôi học và bị tống vào
trại giam của lính Nhật - cuối cùng đã trở thành một thầy giáo. Khách mời
cuối cùng là Renee Firestone - người đã mất tất cả, kể cả gia đình, trong
Cuộc Thảm sát, nhưng cuối cùng cô vẫn tới Mỹ và trở thành nhà thiết kế
thời trang danh tiếng.
Trong các chia sẻ của tất cả các vị khách mời, câu chuyện của cô Renee
có tác động sâu sắc nhất tới mình. Cô đã kể về cuộc sống của cô, về những
bài học cô đã học được khi còn ở trong trại tập trung. Cô đã chia sẻ cuộc
sống của cha mẹ cô khốn khó tới mức nào khi chiến tranh lan đến Tiệp
Khắc. Cuối cùng, gia đình cô đã bị đẩy tới khu ổ chuột của người Hungary