Văn Lý và vào nhà thuốc của ông Nguyễn Cao Thăng ở đường Trần Hưng
Đạo. Ông Trần Thái hiện sống ở Mỹ).
Từ năm 1948, các ông Thục, Diệm, và Nhu thỉnh thoảng về Huế để thăm bà
cụ thân sinh. Cứ mỗi lần như vậy, nhất là khi chính ông Diệm về, chúng tôi
lại tổ chức các cuộc gặp gỡ trong vòng đồng chí và thân hữu để thảo luận về
tình hình chính trị, tình hình chiến sự và các kế hoạch cần phát động. Và từ
đó, chúng tôi xiết chặt vòng thân hữu lại bằng cách yêu cầu các thân hữu
(chứ không phải chỉ các đồng chí trong tổ chức mà thôi như trước kia) cứ
mỗi ba tháng lại đóng góp một số tiền để giúp đỡ ông Diệm, ông Nhu có
khả năng hoạt động chính trị. Sau này, khi ông Diệm xuất ngoại, số tiền
đóng góp của chúng tôi lại tăng thêm và thường xuyên hơn.
Ông Thục và ông Nhu cũng tỏ ra cởi mở và vui vẻ hơn ngày xưa, thường
hỏi thăm hoàn cảnh gia đình và tâm sự cá nhân riêng tư của chúng tôi. Vào
một buổi chiều tháng 6 năm 1950 ông Nhu đã nhờ ông Võ Như Nguyện và
ông Huỳnh Hữu Hiến hướng dẫn đến thăm tôi tại căn nhà nghèo nàn chật
hẹp ở cửa Đông Ba. Lúc bấy giờ tôi là một Trung uý trong quân đội Việt
Binh Đoàn với một người vợ đảm đang nhưng quê mùa và bốn đứa con trai
mà đứa đầu mới 10 tuổi. Trong căn phòng khách chật hẹp và nóng nực, và
cũng là phòng học và phòng ngủ của các con tôi, ông Nhu tuy mồ hôi nhễ
nhại mà cũng vui vẻ dùng chén chè xanh và cho biết sở dĩ ông đến thăm tôi
vì lời giới thiệu đặc biệt của hai ông Diệm và Cẩn về một cán bộ trung kiên,
tâm huyết, can trường và biết sống chết cho lý tưởng. Tôi còn nhớ ông Nhu
đã nói thẳng rằng: "muốn làm cách mạng thì phải có những chiến sĩ như
anh, còn hạng khoa bảng chỉ là bọn nhát gan, hay tính toán và chỉ biết tranh
giành địa vị để làm giàu".
Ông Cẩn tuy thường ngạo mạn và ra oai với mọi người nhưng cũng biết e dè
với cụ Trương Văn Huế, một bậc lão thành, với ông Võ Như Nguyện và tôi,
hai cán bộ dám chỉ trích và tranh luận tay đôi với ông ta.