Hoành Linh Đỗ Mậu
VIỆT NAM Máu Lửa Quê Hương Tôi
Chương 4
NHỮNG NGÀY CUỐI CÙNG
CỦA THỰC DÂN PHÁP
Cho đến đầu Thu năm 1952, tổng số quân nhân Pháp bị tử trận, thương
vong và mất tích tại Đông Dương lên đến hơn 90.000 người. Chi phí cho
chiến trường này bằng hai lần số kinh viện của Hoa Kỳ trong khuôn khổ
chương trình viện trợ tái thiết Marshall. Tại quốc hội Pháp, từ ngữ “la sale
guerre” (cuộc chiến tranh bẩn thỉu) bắt đầu được xử dụng trong các cuộc
tranh luận giữa các phe chủ chiến và chủ hòa.
Trong khi đó thì tại miền Bắc Việt Nam, tướng Võ Nguyên Giáp đánh bật
các đơn vị thiện chiến của tướng Raoul Salan ra khỏi cứ điểm Hòa Bình và
bắt đầu tung ba sư đoàn chiếm một ngôi làng bé nhỏ tên là Mường Thanh ở
biên giới Việt - Lào trong một vùng lòng chảo bề dài 18 cây số, bề ngang 8
cây số có tên gọi là Điện Biên Phủ.
Mấy tuần lễ trước khi Hòa Bình thất thủ, tôi bị tướng Nguyễn Văn Hinh
thuyên chuyển ra Bắc. Hồi bấy giờ, “ra Bắc” được xem như là một biện
pháp chế tài đối với những sĩ quan ở miền Trung và miền Nam, vì tình hình
sôi động của chiến sự và vì những tổn thất nặng nề về phía những quân
nhân Việt Nam. Hầu hết những sĩ quan Việt Nam trung cấp bị đổi ra Bắc
đều ít nhiều có hồ sơ chống Pháp, hoặc chống Bộ Tổng Tham mưu của
tướng Nguyễn Văn Hinh.
Tôi theo học khóa Tiểu Đoàn trưởng và khóa Liên Đoàn Lưu Động (để
được cập nhật hóa với chiến trường Việt Bắc) do Đại tá Vanuxem, một trong
những sĩ quan cao cấp xuất sắc nhất của Pháp lúc bấy giờ điều hành. Cùng
khóa với tôi có Trung úy Nguyễn Văn Thiệu.
Mãn khóa, Thiệu, có thêm Trung úy Cao Văn Viên và tôi, được lệnh thuyên
chuyển ra mặt trận Hưng Yên, trình diện với Trung tá Dương Quý Phan,