một sĩ quan nổi tiếng thân Pháp, tay chân của tướng Cogny. Tư Lệnh miền
Đông Bắc Việt đang đóng ở Hải Dương. Mặt trận Hưng Yên vừa được bộ tư
lệnh Pháp trao trả phần trách nhiệm lại cho quân đội quốc gia Việt Nam và
đang bị những áp lực nặng nề. Bộ Tổng Tham mưu Sài gòn chỉ định tôi làm
Tham mưu trưởng, Cao Văn Viên làm trưởng phòng Nhì và Nguyễn Văn
Thiệu làm trưởng phòng Ba. Còn phòng Tư vẫn do một Đại úy người Pháp
phụ trách. Bộ chỉ huy và trung tâm hành quân khu chiến được đặt tại ngôi
giáo đường to lớn rộng rãi của tỉnh lỵ Hưng Yên mà linh mục bề trên đã vui
lòng cho quân đội Pháp xử dụng từ trước.
Ba anh em chúng tôi được cấp phát chung một căn phòng nhỏ vừa đủ để ba
cái ghế bố loại nhà binh và hàng ngày ăn cơm tại câu lạc bộ sĩ quan. Buổi
tối, lúc trở lại phòng để chuẩn bị đi ngủ, Thiệu và tôi thường phân tích và
luận bàn về tình hình chính trị và chiến sự đến khuya. Riêng Viên vốn tính ít
nói nên chỉ thỉnh thoảng góp ý kiến mà thôi.
Tháng 4 năm 1953, tuy tình hình chiến sự ở Lào trở nên quyết liệt hơn khi
Việt Minh chiếm Cánh Đồng Chum và tiến quân về Luang Prabang, thủ đô
Hoàng gia Lào, nhưng không vì thế mà áp lực quân sự giảm bớt tại chiến
trường Bắc Việt. Tháng 5 năm đó, tướng Henri Navarre thay thế tướng
Salan nhưng chỉ làm cho quân Pháp thêm lúng túng vì quan điểm chiến lược
thiếu thực tế của vị tướng lạnh lùng và cô đơn đã từng tham gia hai trận thế
chiến này. Quân đội Pháp hoàn toàn bị động ngay cả ở thế phòng thủ. Hết
căn cứ này đến căn cứ khác lần lượt bị mất vào tay địch hoặc bị rút bỏ, chỉ
còn giữ lại một ít địa bàn ở các giáo phận Công giáo như Bùi Chu, Phát
Diệm, Kẻ Sặt…và các tỉnh chung quanh Hà Nội và Hải Phòng.
Trước tình thế bi quan đó, một hôm Nguyễn Văn Thiệu đã hỏi tôi: “Theo
anh thì cuộc chiến tranh hiện tại sẽ đi về đâu và tương lai Việt Nam sẽ như
thế nào?” Đó là câu hỏi có tính toàn bộ và lâu dài nhưng tôi vẫn xác quyết
với Thiệu và Viên là “thế nào Pháp cũng bị bại trận và tìm giải pháp thỏa
hiệp với Việt Minh, đất nước sẽ bị chia đôi nhưng không biết chia ở khu vực
nào. Hoa kỳ sẽ can thiệp vào Việt Nam để chận đứng mưu đồ bành trướng
của Cộng Sản ở Đông Nam Á và Hoa Kỳ sẽ đưa ông Diệm về nước nắm
chánh quyền”. Sau này tại Sài Gòn, mỗi lần gặp tôi, Thiệu không quên nhắc