nào mà một người Việt Nam thực sự yêu nước, đặc biệt nếu người Việt Nam
đó lại là một chiến sĩ cầm súng, nên chọn lựa.
Nhưng rồi những hoạt động “phi quân sự” đó của tôi dần dần bị báo cáo lên
cho Bộ chỉ huy rồi đến tai Trung tá Dương Quý Phan, nên tôi bị tướng
Cogny phạt 60 ngày trọng cấm, hạ tầng công tác và thuyên chuyển về Liên
Đoàn Lưu Động số 3, đang hành quân tại vùng Ninh Bình do Thiếu tá Phạm
Văn Đổng (hiện ở Mỹ) chỉ huy. Lý do bị phạt ghi trong hồ sơ quân vụ còn
có thêm tội “vô lễ với cấp chỉ huy” vì đã hai lần tôi công khai chỉ trích Phan
trước mặt đông người về tác phong “bồi Tây” của y khi mỗi buổi sáng, nếu
gặp các hạ sĩ quan Pháp thì Phan ân cần chào hỏi “Bonjour mon caporal”
còn nếu gặp sĩ quan Việt Nam thì Phan chỉ chào lấy lệ và còn có ý khinh bỉ.
Trong bữa ăn cuối cùng tại câu lạc bộ sĩ quan để tiễn tôi lên đường về
nhiệm sở mới, Trung úy Nguyễn Văn Thiệu mở một chai champagne mời
tôi và nói mấy lời tiễn biệt rất cảm động. Dương Quý Phan nổi giận, nạt ông
Thiệu tại sao lại dám ca ngợi một sĩ quan đang mang trọng tội trước mặt y.
Cử chỉ vừa ưu ái, vừa khí phách của ông Thiệu càng làm cho tôi quý mến
ông ta hơn. Trớ trêu thay, trong cuộc đời binh nghiệp và chính trị của ông
Thiệu và tôi, và qua những biến cố quan trọng của quốc gia, chúng tôi còn
nhiều duyên nợ cho đến năm 1965, 1966, khi hai ông Thiệu và Kỳ lãnh đạo
quốc gia, bắt tôi giam lỏng hai lần ở Pleiku và Nha Trang gần cả năm trời.
Cũng mang cái tâm trạng bất hợp tác như ở Hưng Yên, tôi về Nam Định và
làm việc tại Bộ Chỉ huy Liên đoàn 3 Lưu Động. Nhiều khi ngay cả trong giờ
công vụ tôi vẫn viết bài hay sáng tác thơ gởi về Sài gòn cho ông Nhu hoặc
ông Đỗ La Lam (hiện ở Mỹ) đăng vào báo Xã Hội. Đặc biệt trong hai bài
thơ Nhớ con và Nhớ Huế và trong tùy bút Tâm sự dòng sông Hương, tôi đã
ký thác nỗi lòng của mình về nỗi hoài vọng ngày ông Diệm và tổ chức thành
công đem lại độc lập và tự do cho đất nước để cho những người Việt Nam
bình thường như tôi khỏi còn phải đấu tranh trong cái thế hiểm nghèo giữa
Pháp và Việt Minh. Tâm sự này, sau ngày chia cắt đất nước, tại miền Nam,
tôi tìm lại được một cách rất khoái cảm trong kịch phẩm Thành Cát Tư Hãn
của nhà văn Vũ Khắc Khoan (thuộc nhóm Quan Điểm, gồm những văn
nghệ sĩ miền Bắc đã từng theo kháng chiến rồi về Tề, hoặc đã ở lại Hà Nội