Pháp hay thời Việt Nam Cọng Hòa sau này, dùng luật lệ, hình phạt để trị
dân, nhà học giả họ Thái chỉ lo “văn dĩ tải đạo”, lấy nhân trị làm nguyên tắc
trị dân. Ông ít khi ngồi ở văn phòng dinh Tỉnh trưởng mà thường lê gót
khắp các ngõ xóm làng để thăm dân cho biết sự tình. Đi đến đâu ông cũng
đem theo những lời giảng dạy của thánh hiền, những chuyện xưa tích cũ để
giáo hóa, dìu dắt dân quê về mọi mặt: tôn giáo, chính trị, xã hội, kinh tế…
Sau này, tôi còn nhớ vào khoảng tháng 4 năm 1954, ông Ngô Đình Cẩn vận
động với các tỉnh, thị trưởng miền Trung lập kiến nghị gởi lên Quốc trưởng
Bảo Đại ở Pháp yêu cầu Bảo Đại chấp thuận cho ông Diệm làm Thủ tướng,
ông Kiểm (cũng như ông Lê Tá, thị trưởng Đà Nẵng, hiện ở Mỹ) đã vui
lòng ký tên vào thỉnh nguyện thư dù ông Kiểm không thuộc phe đảng chính
trị nào. Nhưng sau khi ông Diệm về nước cầm quyền thì ông Kiểm bị mất
chức ngay. Ông được dân chúng Ninh Thuận vô cùng ngưỡng mộ, nghe nói
ngày ông từ giã Phan Rang ra đi, đã có nhiều người không cầm được nước
mắt trong buổi tiễn đưa.
Ninh Thuận và Hòa Đa là nơi dân chúng hiền hòa, bình dị, lực lượng của
Việt Minh tại đây không lấy gì làm mạnh. Chiến khu Ba Râu của họ (mà khi
còn là tiểu đoàn trưởng của Việt Minh, tôi đã từng đóng quân tại đây như đã
đề cập trong chương III) bị tôi phá hủy các cơ sở dưỡng binh và các kho tồn
trữ nên trong thời gian tôi làm việc tại Phan Rang, tình hình an ninh tương
đối khả quan, nhân dân làm ăn đi lại như thuở thái bình.
Tháng 7 năm 1953, quốc hội Pháp làm áp lực yêu cầu chính phủ Pháp phải
bắt đầu tìm biện pháp thương thảo để giải quyết chiến tranh Đông Dương.
Ngày 9 tháng 11, Hoàng thân Norodom Sihanouk nắm lấy quyền chỉ huy
quân đội Hoàng gia và tuyên bố Cao Miên độc lập. Giáng sinh năm đó, ông
Hồ Chí Minh tiết lộ với một ký giả Thụy Điển rằng Việt Nam sẵn sàng thảo
luận về những đề nghị hòa bình của chính quyền Pháp và chỉ một tháng sau,
ngày 25 tháng Giêng năm 1954, các Ngoại trưởng của Hoa Kỳ, Nga, Anh và
Pháp họp tại Tây Bá Linh quyết định sẽ triệu tập một hội nghị quốc tế về
Triều Tiên và Đông Dương vào tháng Tư cùng năm.
Trong khi đó thì cũng vào đầu năm 1954, tướng Navarre, Tổng Tư lệnh
quân đội Pháp tại Đông Dương, phát động chiến dịch Atlante để tiến chiếm