vậy, tôi có dịp lặng lẽ tìm hiểu thêm và kiểm điểm lại những biến cố chính
trị liên hệ đến hai ông Ngô Đình Diệm và Bảo Đại mà trong những thời gian
đó, vì còn trẻ và vì đam mê chỉ biết một lãnh tụ Ngô Đình Diệm, tôi đã
không đủ khôn ngoan và sáng suốt để thấy được sự thật.
Bây giờ, viết lại theo ký ức những kết quả đã được đúc kết từ 15 năm trước,
trong sự thiếu thốn mọi sử liệu, tôi đành chỉ viết những gì mình còn nhớ
chắc chắn và chỉ giới hạn những nhận định trong tương quan giữa hai nhân
vật Bảo Đại và Ngô Đình Diệm mà thôi. Tuy nhiên, có một điểm tôi cần nói
lên ở đây là đối tượng thúc đẩy tôi viết lại chương này không còn là các
thành viên của dòng họ Nguyễn Phước tộc nữa mà mở rộng cho thế hệ
thanh niên hiện tại, trong cũng như ngoài nước, để mong đóng góp được
thêm cho họ những sự thật và những quan điểm đã ít được đề cập từ trước.
Khi so sánh ông Hồ Chí Minh và những lãnh tụ quốc gia trong giai đoạn đó,
cụ Hoàng Văn Chí phê phán rằng:
“Cựu Hoàng Bảo Đại mà người Pháp tái phong làm Quốc trưởng năm 1949
(và viên cựu quan lại Ngô Đình Diệm), những kẻ mãi quốc cầu vinh, no
lưng ấm cật, những kẻ bất chánh đó không tài nào địch nổi Hồ Chí
Minh…”[47].
Lời phê phán đó, đứng trên quan điểm cách mạng và áp dụng như một
nguyên tắc tiên quyết cho cuộc đấu tranh cứu nước kể từ sau thảm trạng
mùa Xuân năm 1975, thì hoàn toàn đúng. Tuyệt đối đúng.
Nhưng đặt nó vào bối cảnh của 20 năm từ 1945 đến 1965, giai đoạn mà ba
nhân vật Hồ Chí Minh, Bảo Đại và Ngô Đình Diệm nắm giữ những trục vận
động chính của lịch sử nước ta, thì tôi e rằng lời phê phán đó có phần quá
khắt khe cho trường hợp của vua Bảo Đại.
Từ 1945 đến 1954, chúng ta có nhiều nhà cách mạng đấu tranh chống cả
Pháp lẫn Cộng nhưng không một ai đủ lực, đủ thế và đủ thời để vận động
được toàn dân khởi phát cuộc cách mạng đó cả. Và trước cơn bão dữ của
cuộc chiến tranh Pháp–Cộng, trong đống bùn nhơ của một triều đình lơ láo
dưới chế độ bảo hộ, ông Bảo Đại ít ra cũng đã vun xới được một cánh sen
màu vàng ba sọc đỏ để làm tụ điểm cho những thành phần chống Cộng, để
làm căn bản cho miền Nam Việt Nam sau này có cơ sở tiếp tục chống lại