Hoành Linh Đỗ Mậu
VIỆT NAM Máu Lửa Quê Hương Tôi
Chương 9
NHỮNG CHÍNH SÁCH ĐỘC TÀI
Ngày 4 tháng 3 năm 1956, Quốc hội Lập hiến ra đời với nhiệm vụ chính
yếu là soạn thảo, biểu quyết và thông qua Hiến pháp của nền Đệ Nhất Cộng
Hòa. Tuyệt đại đa số các dân biểu là thành viên của Phong Trào Cách Mạng
Quốc Gia, và vì dự thảo Hiến pháp đã được “chung quyết” từ trước tại dinh
Độc Lập nên các cuộc thảo luận tại trụ sở của Quốc Hội chỉ là những cuộc
thảo luận nặng về hình thức và để cho có vẻ dân chủ. Cuối cùng, 123 dân
biểu đều đồng thanh chấp thuận bản Hiến pháp và được ông Diệm ban hành
vào ngày 26 tháng 10 năm 1956.
Như đã phê bình trong chương trước, những danh từ hoa mỹ và nhiều khi
thần bí trong Hiến pháp cũng như trong những điều khoản căn bản phải có
của một Hiến pháp là chỉ cốt để che dấu một cách vụng về những điều
khoản phản dân chủ, phản thời đại, và phản dân tộc của nó.
Đã không thiếu những luật gia lúc đó cũng như sau này phát hiện ra tính bất
quân bằng trong nguyên tắc phân quyền cũng như sự tập trung quyền lực
quá độ vào vị nguyên thủ quốc gia của bản Hiến pháp này. Để kiểm soát và
hạn chế hai tác hại lớn lao này, người ta “đã tìm thấy rất ít điều khoản bảo
đảm sự ngăn ngừa, chận đứng một chế độ độc tài, độc đảng” [1]. Tuy điều
98 chỉ cho Tổng thống đặc biệt nắm nhiều quyền hành trong nhiệm kỳ lập
pháp đầu tiên mà thôi để bảo đảm sự ổn định và liên tục của sinh hoạt quốc
gia, nhưng sau khi hết nhiệm kỳ đó rồi, anh em Diệm–Nhu vẫn, theo đà,
tiếp tục đưa ra những chánh sách và biện pháp chà đạp những điều khoản
dân chủ hiếm hoi còn lại trong Hiến pháp. “Diệm và Nhu hoàn toàn không
biết đến Hiến pháp, chỉ cai trị bằng sắc lệnh và bằng ý kiến riêng của mình,
hơn nữa, thể chế độc tài của họ lại được thực hiện đến tận cấp thôn xã” [2].
Một quyết định sai lầm lớn nhất của ông Diệm lúc bấy giờ là bãi bỏ những
cuộc bầu cử thôn xã vốn là đơn vị hành chánh cơ bản và thực dụng của xã
hội Việt Nam. Từ tháng 6 năm 1956 trở đi, các viên chức điều hành cấp xã