biểu Quốc Hội, là Giám đốc viện Phốt phát của Việt Minh) được cử giữ
chức Đặc Ủy Công Dân Vụ, ông Trần Chánh Thành (từng là Chánh án Liên
Khu Tư của Việt Minh) được trọng dụng làm Bộ trưởng, Phạm Ngọc Thảo
(từng chỉ huy tình báo cao cấp của Việt Minh) được mang cấp bậc Đại tá,
giữ chức Tỉnh trưởng… thì thử hỏi vì sao đảng viên các đảng phái quốc gia
chống Cộng lại bị liệt vào hàng Cộng Sản để rồi bị tiêu diệt.
Bị thôi thúc bởi bản tính bất nhân và bị chỉ đạo bằng những lý luận bất trí,
chế độ Diệm đã dùng bạo lực thay vì chính trị, dùng khủng bố thay vì giáo
dục trong cái giai đoạn mà nhân trị - chứ không phải bạo trị - là phương
sách duy nhất và phù hợp nhất để thu phục nhân tâm, xây dựng niềm tin và
sự ủng hộ của quần chúng miền Nam. Chính vì đã không xây dựng được
niềm tin đó, chính vì đã không xây dựng được sự ủng hộ đó cho nên khi
Mặt Trận Dân Tộc Giải Phóng Miền Nam của Hà Nội ra đời, họ đã có sẵn
một đại khối thôn quê (đang là nạn nhân bất mãn với chính quyền) che chở,
bảo vệ và yểm trợ. Không tiêu diệt được từ trong trứng nước mầm mống
Cộng Sản tại miền Nam mà lại còn trực tiếp đóng góp cho sự lớn mạnh của
chúng chính là tội lớn của chế độ Ngô Đình Diệm. Từ năm 1959, tình hình
an ninh của miền Nam bắt đầu suy sụp, Việt Cộng củng cố và phát triển
được hạ tầng cơ sở cùng các mật khu an toàn; đặc công Cộng Sản bắt đầu
ám sát, bắt cóc, phá hoại, tiêu hủy những nhân viên và nỗ lực của chính
quyền tại hầu hết vùng thôn quê là những chứng cớ rõ ràng không chối cãi
được, mà cao điểm của sự suy sụp này là sự ra đời của “Mặt Trận Dân Tộc
Giải Phóng Miền Nam” vào cuối năm 1960.
Chính sách độc tài thứ hai là chính sách kiểm soát và khống chế báo chí.
Cũng như Cộng Sản, để che dấu tội ác và những biện pháp sắt máu của chế
độ, anh em ông Diệm chủ trương tiêu diệt đệ tứ quyền của nhân dân. Họ
dùng những biện pháp kiểm duyệt gắt gao sách báo để kềm kẹp báo chí,
phát bông giấy để duy trì đặc quyền đặc lợi cho chủ nhiệm các báo trung
thành với chế độ, tập trung phát hành vào nhà Tổng Phát Hành Thống Nhất,
một cơ quan do tay sai của chế độ nắm giữ để chận đứng sự phổ biến các tờ
báo đứng đắn mà họ gọi là “phản động”, và đặt cán bộ Cần Lao vào hàng
ngũ báo chí để làm mật vụ theo dõi, điểm chỉ các nhà văn, ký giả yêu