Những sự kiện trên đây đều được ông Tôn Thất Toại thông báo cho một số
Dân biểu đồng viện và người em ruột ông ta là Tôn Thất Thiết (hiện ngụ tại
Los Angeles, California), Giám đốc sở Nội dịch Phủ Tổng thống biết.
Là người có nghệ sĩ tính, thích hát bội và văn thơ, sau khi từ giã chính
trường cụ Toại lui về Nha Trang giữ chức chủ tịch hội Khổng học Khánh
Hòa và chăm lo Phật sự tại chùa Tỉnh Hội Nha Trang. Mỗi lần tôi về Nha
Trang, cụ Toại và tôi thường gặp nhau đàm đạo và những lúc đi xem hát bội
của đoàn hát Bình Định nổi tiếng là đoàn “Ý Hiệp Miền Trung”, gặp những
tuồng như “Lã Bố hí Điêu Thuyền” đoạn Vương Tư Đồ lập mưu giết được
Đổng Trác, cụ đánh trống chầu một cách thống khoái tỏ ra thú vị vì kẻ
nghịch thần đã đền tội với dân tộc quê hương.
Nguyễn Phước tộc là một dòng họ lớn nhất miền Trung, có rất nhiều thành
phần trí thức nhân sĩ, từ sau khi anh em ông Ngô Đình Diệm bắt bà Từ
Cung đi bỏ phiếu để truất phế người con ruột thịt là Quốc trưởng Bảo Đại,
tịch thu tài sản của Cựu Hoàng, của bà Nam Phương, của ông Vĩnh Cẩn
cuối năm 1955, thì hầu hết người của dòng họ Nguyễn Phước tộc đều xa
lánh ông Diệm. Việc nhà Ngô bắt bớ giam cầm ông Bửu Bang (hiện ở Los
Angeles) và vu khống cho ông là gián điệp Pháp để làm tiền, việc nhà Ngô
định hãm hại nhà thầu khoán tên tuổi Tôn Thất Cẩn cũng để làm tiền…
càng làm cho bà con dòng họ Nguyễn Phước tộc căm thù thêm anh em ông
Diệm. Chỉ còn lại hệ phái của cụ Thân–Thần là còn ủng hộ ông Diệm thế
mà nay nhà Ngô bạc đãi khinh thị ông Tôn Thất Toại, hất hủi ông Tôn Thất
Hối (nguyên là Đại biểu Chính phủ miền Cao nguyên), phản bội ông Tôn
Thất Cẩn (vốn là ân nhân cũ) thì Nguyễn Phước tộc không còn ai có thể gọi
là người tiêu biểu có cảm tình với anh em ông Diệm nữa, ngoại trừ ba nhân
vật Thiên Chúa giáo là ông Bửu Vu, ông Tôn Thất Trạch, linh mục Bửu
Dưỡng và hai nhân vật Phật giáo: ông Tôn Thất Thiện cựu giám đốc phòng
báo chí phủ Tổng thống, ông Bửu Hội một nhà bác học Việt Nam vừa thân
Cộng lại vừa thân với nhà Ngô, đã hết mình ủng hộ nhà Ngô trong biến cố
Phật giáo năm 1963, dù mẹ là Sư bà Diệu Huệ chống lại nhà Ngô.
Quyết định bênh vực bà Nhu để thông qua Luật Gia Đình rõ ràng là đã đánh
tan cái huyền thoại “Khổng Mạnh” mà gia đình ông Diệm và bộ máy tuyên